Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012
* * *
Tiếng còi tan việc nổi lên vang động trong không khí. Lập tức các công việc trong xưởng đều ngừng lại. Bọn thợ đàn ông với lấy cái áo mũ trên mắc rồi hấp tấp dồn nhau đi ra phía cửa như một lớp sóng người.
Liên cùng mấy chị em bạn gái thong thả hơn, vì công việc họ làm xong đã lâu rồi. Nhìn lại một lần nữa cái thùng giặt đầy quần áo sạch sẽ họ làm trong một xưởng xe tay bọn thợ con gái ra đến cửa sau hết mọi người. Họ vui vẻ nói chuyện luôn miệng như những con chim sẻ ngày mùa. Nhưng Liên không thể giữ được cái rùng mình sẽ rung chuyển thân thể nàng mỗi lần đến trước một chú tây đen cao lớn ngồi canh cổng và khám các người làm công. Toàn thân Liên cứng lại dưới hai bàn tay mập mạp đen thủi nắn bóp khắp cả trong ngươi. Nàng nhắm mắt như không muốn trông thấy cái cười khả ố của người gác và hai con mắt sâu hoắm của hắn ta long lanh ham muốn.
Ra đến ngoài, Liên nhẹ hẳn người. Cảnh tấp nập ở ngoài phố làm nàng vui vẻ. Mấy chị em bạn cùng rảo bước trên vỉa hè, vừa đi vừa nói những câu chuyện trong sở, thỉnh thoảng làm cho một cô bật lên mấy tiếng cười trong trẻo, ròn rã như tiếng cười con trẻ. Liên và mấy cô bạn gái của nàng, tuy đã có đến hàng nghìn lần, mà lần nào ở trong xưởng ra về, cũng thấy vui vẻ trong lòng như một người vừa làm xong công việc của mình.
Cái vui vẻ giản dị ấy làm cho nàng quên trong chốc lát những khó nhọc và các ý nghĩ lo buồn.
Đến chỗ rẽ sắp phải chia tay, tất cả bọn đứng dừng lại dưới gốc cây bàng, Liên sẽ bảo các bạn:
- Các chị bây giờ về nhà, chắc chồng con vui vẻ lắm. Chỉ có em là khổ thôi.
Mọi người nhìn Liên không nói gì. Vì họ biết Liên lấy phải người chồng vũ phu ác nghiệt, hay đánh đập nàng. Lại thên mẹ chồng cũng ác nghiệt chẳng vừa, hơi một tí là đay nghiến nàng thậm tệ, đến nỗi cấm cả không cho các bạn lai vãng đến nhà nàng nữa.
Khi Liên quay đi, mấy người bạn nhìn theo thương hại:
- Chị Liên thật là khổ. Đi làm cầm cập suốt ngày để nuôi cả nhà chồng, về nhà lại bị chồng nó hành hạ.
Cô Sinh, người nhiều tuổi nhất trong bọn, giọng nói đầy vẻ tức giận:
- Tôi mà như chị ấy thì tôi bỏ quách đi lấy người khác. Mình đi làm kiếm được nuôi thân, có phải nhờ vả gì nhà chồng đâu mà sợ.
Một người khác chép miệng thở dài:
- Chẳng qua cũng là tại cái số chị ấy vất vả nên mới gặp người như thế.
Liên một mình thong thả bước đi. Nàng không còn vui vẻ nữa vì sắp về tới nhà. Nàng buồn rầu nghĩ đến cái cảnh êm thấm trong gia đình của các bạn, khi đi làm về được chồng con săn sóc đến. Về phần nàng, không phải một cái gia đình mà nàng lui tơi nữa, chính là một cái địa ngục. Liên không hiểu vì sao chồng nàng và mẹ chồng đối với nàng lại ác nghiệt, ghét nàng như thế. Có lẽ vì xưa kia cha mẹ nàng đã bắt người ta phải dẫn cưới nhiều chăng? Nàng đoán có lẽ thế vì mỗi lần chửi mắng bà mẹ chồng lại nhắc đến chuyện ấy mà đay nghiến nàng.
Liên thở dài nhớ lại quãng đời nàng từ lúc đi lấy chồng. Bảy tám năm qua, mà Liên tưởng hình như lâu lắm, hình chư đã hết nửa đời người. Nàng về nhà chồng từ năm mười bảy tuổi. Tại sao nàng lại lấy người chồng này mà không lấy Tâm, người nàng quý mến từ thủa nhỏ và bây giờ cùng làm một sở với nàng, Liên cũng không rõ tại sao nữa. Khi cha mẹ nàng ngỏ ý gả cho Tích, lấy cớ rằng hai nhà vẫn quen biết nhau, Liên tuy không bằng lòng nhưng nàng vẫn không từ chối. Mà nàng cũng không dám từ chối cái gì. Nàng tưởng rằng mình sinh ra chỉ để chịu sai khiến mà thôi, không dám phản kháng bao giờ cả.
Trong bảy năm ở nhà chồng, nàng chịu bao nhiêu nỗi khổ sở, hành hạ mà không dám kêu ca. Liên chỉ âm thầm đau đớn. Nàng thương hại cho Tâm đã khổ vì nàng. Khi được tin nàng đi lấy chồng, Tâm bỏ nhà trốn đi. Cách đây một năm sự tình cờ lại khiến cho nàng với người cũ gặp nhau làm cùng một sở. Tâm vẫn yêu nàng, và sau khi biết nàng bị khổ, chàng yêu cầu nàng bỏ chồng cũ để lấy chàng.
Liên nhiều khi sung sướng tưởng tượng đến cái đời dễ chịu của nàng nếu lấy Tâm. Nhưng Liên vẫn từ chối. Chính nàng cũng không hiểu tại sao mà từ chối.
Hình như có những cái lẽ tối tăm làm cho nàng sợ hãi, không dám nhận lời. Liên lờ mờ thấy rằng nàng không đủ can đảm làm một việc như thế, không đủ quả quyết với mình để chống lại những cái cay nghiệt gây nên chung quanh nàng. Không phải vì nàng quyến luyến đứa con lên sáu: nàng không yêu nó vì nó cũng xấc láo như bố.
Nhưng bỏ chồng bỏ con để lấy Tâm, để được sung sướng riêng lấy mình nàng, Liên cho như là một việc không bao giờ có thể làm được.
Sáng nay, vào đến sở, nàng thấy Tâm khác mọi ngày thường. Chàng gọi nàng ra một chỗ và ứa nước mắt nói:
- Liên ạ, mai tôi phải đổi đi Saigon, mà đi chưa biết bao giờ mới được về, Liên nghĩ thế nào? Nếu Liên còn yêu tôi, xin Liên đi hẳn với tôi, chúng ta sẽ xa hẳn chỗ này. Tôi xin cam đoan làm cho đời Liên được sung sướng. Liên bằng lòng đi, Liên!
Nàng chỉ cúi mặt khóc. Khi thấy Tâm thất vọng quay đi, nàng đau đớn, uất ức, như đứt từng khúc ruột. Hình như từ đây có cái gì gẫy nát không phương vớt lại được trong cả đời nàng.
Bước chân vào nhà, tự nhiên Liên thấy lo sợ. Không khí trong nhà nặng nề như sắp có tai nạn gì xảy ra. Tích và bà mẹ đương ngồi bàn tán, thấy nàng về ngưng lại, mỗi người ngồi một chỗ, nhưng thỉnh thỏang đưa mắt nhìn nàng. Liên lặng lẽ vào buồng xem con ngủ, rồi ngồi bên mâm cơm nguội để phần. Nàng và vội vàng mấy miếng cơm, cố nuốt cho xong bữa.
Bỗng nhiên bà mẹ chồng lại gần, giọng dịu dàng làm nàng ghê sợ:
- Này cô Liên, thế cô định đi theo cậu Tâm vào Saigon thật đấy chứ?
Liên giật mình, hỏang hốt đáp:
- Thưa mẹ, ai bảo mẹ thế?
- Lại còn ai bảo nữa. Mà cần gì phải có ai bảo tôi mới biết. Thôi, cô có đi thì cứ thu xếp mà đi đi, đừng ở đây nữa. Phải, cô thiết gì cái nhà này…
Liên thưa:
- Mẹ nói oan cho con, chứ con đâu dám thế.
Bà mẹ chồng lồng lộn lên, xỉa xói:
- Đừng già mồm nữa, con kia. Có người rõ ràng trông thấy mày đứng nói chuyện với nó buổi sáng nay, còn chối gì nữa, đồ khốn nạn! Này tao bảo thật: mày tưởng mày đi thoát được cái nhà này à?
Bà cụ đay nghiến và riếc móc nàng bằng những lời chua cay. Tích vẫn ngồi trên ghế, yên lặng không nói gì.
Liên ứa nước mắt, đặt bát cơm ăn dở xuống chiếu, phàn nàn:
- Mẹ cứ đặt điều cho con mãi. Thật là ác, không cho người ta nuốt trôi miếng cơm nữa.
Nàng nghẹn ngào, buông đũa đứng dậy toan bước xuống dưới nhà. Nhưng có tiếng xô ghế, rồi một bàn tay nắm chặt lấy cổ nàng:
- Mày bảo mẹ tao ác à? Không ác để cho mày tự tiện đi theo trai phải không?
Bàn tay như sắt bóp chặt xoay nàng lại. Liên thấy giáp mặt mình, cái mặt ghê sợ của Tích, hai mắt đỏ ngầu.
Cái giận dữ làm tiếng hắn run lên:
- Con đĩ!
Liên thoáng nghĩ nét mặt thanh tao của Tâm ban sáng. Nàng khing bỉ nhìn chồng:
- Buông tôi ra.
Rồi nàng gục xuống dưới những cái đấm đá nặng nề.
Lòng ghen ghét làm Tích khỏe thêm lên. Hắn nghiến răng lại đánh túi bụi. Hắn thấy ghét nàng đến cực điểm. Không phải vì nàng không yêu mà hắn căm tức. Nhưng nàng lại đi yêu một người khác, như đâm vào lòng tự ái của hắn. Sự ấy không bao giờ hắn tha thứ được.
Khi Liên thấy tiếng nói, tỉnh lại, thì đã chiều. Mở mắt, nàng thấy đứa con đứng bên sợ hãi nhìn nàng.
Liên vùng ngồi dậy, lo sợ, vì sực nhớ đã mất buổi làm. Nhưng khi cử động, nàng thấy khắp người đau đớn như giần, và cái quang cảnh buổi trưa lại hiện ra trong trí.
Một sự căm hờn nỗi dậy trong lòng nàng, Liên nhớ ra ngày mai Tâm phải đổi vào Saigon. Sao nàng không đi với Tâm được? Ai cấm? Mà tôi gì nàng ở đây để chịu những nỗi khổ sở như thế này? Phải đi, đi để thoát nơi địa ngục, đi để hưởng chút hạnh phúc mà nàng có quyền được hưởng ở đời.
Nhưng đến ngày mai, những điều dự định của Liên tiêu tán cả. Nàng ẵm con ra tiễn Tâm ngoài ga, rồi để Tâm một mình bước lên xe hỏa mang theo đi cái hy vọng cuối cùng của đời nàng. Khi đoàn xe đã khuất, Liên thấy bao nhiêu nỗi đau khổ trỗi dậy ngập lòng. Nàng gục đầu vào chiếc cột sắt, rồi oà lên khóc.
Ngày nọ nối tiếp ngày kia, Liên lại vẫn chịu cái đời khổ sở, đau đớn mọi ngày. Cái mộng một cuộc đời sung sướng với Tâm, Liên buồn rầu cho như là những vật tốt đẹp mà nàng thấy bày trong tủ kính các cửa hàng, những vật quý giá mà nàng tưởng không bao giờ có thể thuộc về nàng được.
Thạch Lam
Anh Thành nhỏm dậy, nghiêng mình chống khuỷu tay xuống giường rồi bắt đầu nói với một giọng trầm và thong thả khiến người nghe hiểu được hết các ý tứ của câu chuyện:
- Tôi có một người anh họ rất giầu và rất ngốc (có lẽ mình cho anh ta là ngốc, bởi vì hắn không xử sự như mình, không có những quan niệm về cuộc đời như mình; nhưng thật ra biết đâu cách ăn ở của anh ta lại không khôn ngoan hơn, bởi vì anh ta đã giầu và sung sướng?). Tên anh ta là Bản, Bản rất phục tôi, coi tôi là một người sành sỏi, thạo đời và nhất là thạo các ngón ăn chơi. Bởi vậy, động có việc gì, hoặc là muốn mua bán cái gì, anh ta đều không quên đến hỏi tôi trước.
Hôm ấy, Bân đến rủ tôi cùng đi mua một cái đồng hồ. Anh ta muốn mua hạng thật tốt, và nhờ tôi xem hộ. Hai chúng tôi đến hiệu Chabot ở phố Tràng Tiền. Đồng hồ ở hãng này thì không còn phải nói gì nữa: Thật là những đồng hồ các hiệu có tiếng, có bảo hành chắc chắn và cố nhiên là giá đắt. Tôi chọn cho hắn ta cái đồng hồ đeo tay hiệu Movado, xuống nước hay vùi cát cũng không hề gì. Chiếc đồng hồ trông rất đẹp. Tôi thấy anh ta mân mê cầm lên ngắm nghía, xem chừng cũng muốn mua lắm. Nhưng cái tính hà tiện của anh ta lại thắng cái thích, nên rồi lưỡng lự một lát, anh ta trả lại nhà hàng, kéo tôi đi ra và bảo:
- Đẹp thì đẹp thật, nhưng mà đắt quá, anh ạ. Thôi, chúng ta lại các hiệu khách mà mua thì hơn.
Tôi yên lặng gật đầu, và theo đi, cũng chả muốn nói gì. Trong bụng nghĩ anh chàng này thật là ngốc, có tiền mà không biết chơi đồng hồ tốt. Lại kiệt nữa. Không biết hắn để tiền làm cái gì?
Vào một hiệu ở Hàng Ngang, sau khi mặc cả ráo riết từng hào, anh ta bằng lòng mua một cái đồng hồ hiệu không mấy ai biết tiếng. Hắn có hỏi ý kiến tôi, song tôi cũng ừ hữ bảo dùng được cho xong chuyện, vì hắn có mua được thứ tốt hay không, bấy giờ tôi thực không thấy quan hệ mấy.
Lúc trả tiền, tôi thấy hắn giở ra một cái ví da lớn, phồng chặt. Hắn đếm giấy bạc thong thả và cẩn thận.
Thoáng nhìn qua, tôi cũng biết trong ví nhiều tiền lắm: ngoài số tiền bạc lẻ hắn mang ra trả, tôi còn thấy gấp ở ngăn trên đến năm, sáu cái giấy bạc một trăm nữa, những giấy bạc mới, màu còn tươi nguyên – “Quái, thằng cha này làm gì mà lắm tiền thế? Mình thì chả bao giờ có đến được một trăm bạc bỏ túi!”
Tôi nghĩ thầm và so sánh thế.
Mua xong đồng hồ. Bân rủ tôi đi ăn:
- Ta lên hiệu chén, rồi lát nữa làm một chầu chứ, – hắn vỗ vào túi – tôi có đủ tiền đây!
Chúng tôi vào hiệu. Bân ăn vui vẻ lắm, có lẽ hắn vừa ý vì cái đồng hồ mua rẻ. Tôi thì trong óc cứ vơ vẩn cái ý nghĩ sao một thằng ngốc như hắn – tôi thấy hắn càng ngốc – lại có lắm tiền thế, còn mình…
Tuy vậy, ý nghĩ cũng không làm tôi ăn mất ngon. Tôi tỏ mặt sành, gọi những thức ăn quý và đắt tiền, và hai chúng tôi uống rượu say sưa.
Cơm xong, Bân đưa tôi xuống Vạn Thái, vào nhà một người nhân tình của hắn. Hình như đã lâu không được đi hát, nên hắn có vẻ tha thiết và sung sướng đến đáng ghét. Về phần tôi, không thấy hứng lắm, – đi chơi với một anh có nhiều tiền mà mình lại khinh là ngốc, không có thú vị mấy – nhưng chẳng lẽ lại bỏ hắn nửa chừng. Tôi định bụng ở chơi qua quýt đến nửa đêm thì về.
Nhà hát, ngoài cô nhân tình của Bân, các con em khác trông cũng khá. Tôi nằm bên bàn đèn nói vài câu chuyện tầm phơ. Còn Bân, hắn không nghe hát hiếc gì cả. Ngồi nói chuyện với tôi một lát lấy lệ, rồi hắn cùng với cô nhân tình vào buồng trong đi nằm một chỗ. Hắn không quên – tính cẩn thận của anh kiệt! – đem cả cái áo tây trong có ví tiền vào chỗ nằm, vất trên thành đầu giường.
Một mình tôi ở ngoài đâm chán. Nằm một lát rồi tôi cũng đứng dậy sửa soạn ra về; Bân vẫn ở trong màn, nói vọng ra giữ lại:
- Anh hãy ở chơi đã, về làm gì vội. Ngày mai chủ nhật cơ mà.
- Thôi, tôi phải về. Sáng mai còn có việc.
Vừa nói tôi vừa với cái áo tây của tôi treo trên mắc. Bỗng nhiên có cái gì chuyển mạnh qua tim: tay tôi yên hẳn lại; tôi vừa mới nhận ra rằng cái áo tôi đương cầm không phải là áo của tôi. Thì ra lúc mang áo vào giường nằm, Bân đã mang nhầm áo. Hai chúng tôi cùng mặc thứ hàng len giống màu, như vậy dễ lẫn lắm. Tôi ghé nhìn vào phía trong áo thấy cái ví tiền ở túi thò ra ngoài một ít. Cái ví tiền… mấy tờ giấy bạc…
- ở chơi đã anh. ở chơi sáng sớm mai về với tôi một thể.
- ờ… ờ…
Tôi điềm nhiên treo cái áo vào chỗ cũ, quay ra. Mấy chị em cũng phụ họa vào lời mời của Bân, nài nỉ:
- Tội gì mà về bây giờ anh, khuya và lạnh chết.
Tôi chỉ thoáng nghe thấy, trong trí như còn bận sự gì. Bâng khuâng tôi lại gần giường; một chị nâng chén mời:
- Anh uống chén nước nóng. Rồi nằm xuống đây có hơn không?
- ờ thì hẵng nằm một lát đã.
Tiếng Bân trong màn đưa ra:
- Phải đấy, đến mai hẵng về. Tôi bảo chị Lan phải làm thế nào giữ anh ấy lại thì làm…
- Không… thể nào tôi cũng phải về, anh ạ…
Những lời đối đáp ấy cứ tự nhiên buột miệng ra, tôi không để ý đến. Trước mắt tôi, mấy tờ giấy bạc một trăm gấp trong ngăn ví, hiện ra rất rõ rệt. Lấy mấy tờ, độ hai tờ – tại sao lại hai? Tôi không biết – thật dễ dàng quá. Tôi cứ việc điềm nhiên với lấy áo, mở ví rút ra hai tờ, rồi khoác áo ở trên vai, ra ý sắp sửa về. Rồi chọn lúc mọi người vô ý – mà dẫu có ý cũng không ai biết được – tôi đổi lấy áo của tôi vắt ở đầu giường Bân… Thế là xong, và gọn. Mai dậy Bân biết mất chắc chẳng bao giờ dám nghi ngờ cho tôi. Mà nghi ngờ thế nào được?
Tôi về từ đêm cơ mà! Vả lại cái áo đựng tiền hắn đã cẩn thận mang vào giường ngay từ chập tối, vậy nếu có người lấy, thì chỉ có người nhà cô đầu mà thôi. Mà người nhà thì cũng khó lòng đến đấy lấy được, họa chăng có ngay cô nằm với Bân. ừ, có lẽ Bân sẽ nghi cho nhân tình của hắn lấy… Chắc thế. Tôi mỉm cười: Bân sẽ không dám nói gì đâu; biết nhân tình lấy, hắn sẽ im lặng, sợ làm cho nhân tình xấu hổ, và sợ làm tai tiếng chủ nhà. Hắn vốn tính nhát, với lại hai trăm đối với hắn chắc chả là bao.
Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí tôi. Chỉ một thoáng thôi, tôi đủ tưởng trước được các việc xảy ra như thế, êm thấm và yên lặng, và trôi chảy… dễ dàng quá, mà không còn sợ cái gì cả…
- Mời anh xơi thuốc.
Tôi giật mình đỡ lấy dọc tẩu. Cô Lan đã tiêm xong điếu thuốc từ bao giờ, quay dọc sang mời. Mắt cô nhìn tôi âu yếm. Tôi đưa mắt nhìn xuống, cầm lấy dọc hút. Điếu thuốc kêu vo vo, tiếng như ở đâu đưa lại. Qua làn khói trắng tỏa ra, tôi tưởng nhìn thấy tập giấy bạc một trăm, còn mới nguyên gấp trong ngăn ví. Hắn làm gì mà có lắm tiền thế? Lại mang để trong ví làm gì? Rõ anh chàng ngốc không biết dùng đồng tiền, tiền ở trong tay hắn cũng uổng. Ngộ có đứa lấy đi thì sao? Để thế có bữa mất thật…
- Anh nghĩ gì mà thần người ra thế? Say thuốc có phải không?
Lan để tay nhẹ nhàng lên người tôi, lẳng lơ đưa mắt hỏi. Tôi giả vờ cười không đáp, rồi xoay nằm ngửa, nhìn lên trần nhà. Trong người bứt rứt không yên… Lắng nghe thấy tiếng Bân thì thào và tiếng cười khúc khích của nhân tình hắn trong màn. Chiếc áo vắt ở đầu giường – chiếc áo của tôi – chắc vẫn còn y nguyên ở đấy.
Tôi tưởng tượng khi có hai trăm trong túi rồi, lên xe về điềm tĩnh đi nằm ngủ. Sớm mai mất tiền, thế nào hắn chả về qua nhà mình. Hắn gọi cửa vào, đánh thức mình dậy và bơ phờ bảo:
- Tôi mất hai trăm bạc tối hôm qua rồi, anh ạ…
Tôi thấy trước bộ mặt ngạc nhiên của tôi lúc bấy giờ – một vẻ mặt rất tự nhiên, – và tôi hỏi: “Chết chửa, mất bao giờ? ở đâu?” – Hắn sẽ thuật lại buổi tối hôm nay, lúc mang áo vào giường, đến lúc thấy mất: “Chỉ có con nhân tình tôi nó lấy thôi, anh ạ. Chả còn ai vào đấy nữa…”
- Thế giấy bạc của anh có biên số không?
Nếu hắn không biên số thì mình cứ việc tiêu tự nhiên! Vạn nhất hắn có biên số rồi, thì bảo hắn đi trình cẩm. Nhưng mình sẽ tiêu ngay hôm ấy… Một người như mình cầm tờ giấy trăm vào Gô Đa mua hàng, ai dám nghi ngờ?…
Tôi nhớ lúc ấy tuy vẫn nói chuyện với mấy cô em, tôi xếp đặt đâu vào đấy rất chu đáo, phòng ngừa đủ mọi việc xảy ra. Chỉ còn việc lấy, và đổi áo nữa là xong. Rất dễ.
- ấy kìa, anh đi đâu đấy?
- Tôi đi về đây, mai có việc bận, không thể ở lại được.
Tôi đã nhổm dậy đến bên mắc, với áo, chiếc áo của Bân. Qua lần vải tôi thấy chiếc ví kềnh kệnh răn rắn. Khoác áo lên một bên vai, tôi đi lại trong nhà, bồn chồn nóng ruột. Một cô đầu lê guốc ra hé cửa, nhìn ra ngoài trời:
- Tối lắm. Phải vạ gì mà đi bây giờ anh ạ.
- Đâu xem nào…
Tôi cũng đến bên cửa nghiêng nhìn ra ngoài. Tay tôi đưa vào trong áo, luồn vào khe ví, sờ vào mấy tấm giấy bạc. Tôi rùng mình. Mấy ngón tay mân mê đầu tấm giấy, một cái, hai cái…
- Thôi, vào không gió, anh ạ. Vào nằm cho ấm…
Tôi bỏ tay ra – thong thả, không vội gì, – theo vào, cái áo vẫn đè trĩu trên vai. Tôi ngồi ghé xuống cạnh giường, cầm chén nước lên nhấp, rồi lại đặt xuống.
Tiếng Bân trong nhà cất lên:
- ông ấy về rồi à?
Tôi đáp:
- Không, đã về đâu. Tí nữa.
Bân nói câu gì sau, tôi cũng không nghe thấy. Tâm hồn tôi lúc bấy giờ thế nào, tôi không biết rõ. Tôi đứng lên, ngồi xuống, như một cái máy. Tôi chỉ băn khoăn, bứt rứt, và thời giờ qua… tôi cảm thấy đi qua tâm hồn tôi từ bên này sang bên kia… như thế không biết trong bao nhiêu lâu… Tôi khẽ thở dài, đứng lên lần này thì nhất định.
- Về thôi. Không mai đi sớm lại nhọc chết.
Bân hỏi vọng ra:
- ồ, anh về à? Mấy giờ rồi đấy nhỉ?
- Gần một giờ rồi. Anh cứ ở đây. Cả mấy cô này nữa, đi ngủ đi cho béo mắt. Bận sau tôi ở lâu nhé.
Tôi đưa tay vuốt mái tóc một cô sán đến gần, hai tay để lên vai tôi, mắt nhìn ra vẻ âu yếm. Hai cô khác ngồi yên trên giường, cũng đưa mắt nhìn tôi như chờ đợi.
- Thôi đi ngủ đi.
Tôi gạt tay cô ấy ra, gấp cái áo tây trên cánh tay, rồi đi vào phía giường Bân nằm. Tôi cúi xuống, tì vào thành giường – cố ý tì vào chỗ vắt cái áo – nhìn vào trong, qua màn.
- Anh ở lại nhé – tôi mỉm cười – tri kỷ hết đêm nay cho nó sướng…
Cô nhân tình khúc khích trong chăn. Và Bân ngửa đầu trông lên, tay với vào tấm màn:
- Mai nhé.
- Oui, à demain.
Nhưng tôi chưa quay ra. Tôi vẫn cứ tì mình trên thành giường, lưỡng lự, một lát bấy giờ sao lâu thế. Rồi, không biết tại sao, bỗng nhiên:
- áo anh đây này, đây là áo của tôi.
Và nói thêm bằng tiếng Pháp:
- Anh đếm lại tiền đi. Và để cẩn thận vào trong ấy.
Bân nhỏm nửa người dậy, cầm lấy áo:
- Merci, được rồi.
Tôi bước một bước lùi ra. Thế là hết. Bây giờ thì không sao đụng đến ví được nữa. Tôi bần thần ngơ ngẩn, mặc lấy chiếc áo của tôi, và đội mũ… Vừa gài khuy, tôi vừa nói mấy câu bông đùa vô vị với cô ả đứng ở chân giường sắp tiễn tôi về. Tôi trùng trình uống nước và hút thuốc, muốn cái thời khắc này cứ kéo dài ra mãi.
Đến khi ngồi trên xe về qua những phố khuya vắng vẻ, tâm trí tôi mới dần bình tĩnh lại. Gió lạnh thổi mát trên vừng trán nóng, và cái cảm giác mát ấy khiến tôi dễ chịu. Tôi nghĩ lại đến những cử chỉ và dự định của tôi lúc nãy, thật vừa như một người khôn khéo lại như một người mất hồn. Tất cả những cái đó bây giờ xa quá. Tâm trí tôi giãn ra, như một cây tre uốn cong trở lại cái thẳng thắn lúc thường. Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc.
*
* *
Sáng hôm sau tỉnh dậy ở nhà, tôi ngẩn ngơ nghĩ lại các việc tối hôm trước, y như trong một giấc mộng, chứ không phải việc đã xảy ra… Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao mình hãy còn là người lương thiện, không phải là kẻ ăn cắp. Mà tôi thú thực rằng nếu bấy giờ tôi đã là kẻ ăn cắp, cái đó cũng không khiến tôi lấy làm ngạc nhiên hơn. Mà còn là người lương thiện, tôi tự thấy cũng chẳng có gì là đáng khen. Tôi nhớ rõ lúc đó không có một ý nghĩ nào về danh dự, về điều phải, điều trái ngăn cản tôi, và khiến tôi đi vào con đường ngay, như người ta vẫn nói. Không, không có một chút gì như thế. Cái gì đã giữ tôi lại? Tôi không biết… Có lẽ chỉ một lời nói không đâu, một cử chỉ nào đấy, về phía này hay phía kia, đã khiến tôi có ăn cắp hay không ăn cắp. Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên… Tôi có tiếc đã không lấy hay không, hay bằng lòng mình vì đã chống giữ lại cái ý xấu? Tôi cũng không tìm biết rõ hơn. Hình như ý nghĩ ham muốn hay trù trừ tối ấy không phải là của tôi, hình như của ai ấy, của một người nào khác lạ, khác với cái người thường của tôi bây giờ…
Chúng tôi đều yên lặng. Anh Thành nói xong, với cái điếu hút một hơi thuốc lào rất kêu. Rồi anh thở ra thong thả, mắt lờ mờ nhìn dõi theo làn khói đi.
Thạch Lam
Nxb Đời nay, Hà Nội, 1942.
Truyện ngắn (Thạch Lam)
* * *
Một cơn gió lọt vào làm Sinh tỉnh giấc. Anh ta thấy cái hơi lạnh của mùa đông thấm qua lần chăn mỏng, và thấy người mệt mỏi vì suốt đêm đã co quắp trên chiếc phản gỗ cứng.
Sinh cuốn chăn ngồi dậy. Thế là, cũng như những buổi sáng khác, một cái buồn rầu chán nản, nặng nề ở đâu đến đè nén lấy tâm hồn.
Những đồ vật quanh mình ẩn hiện trong bóng tối lờ mờ khiến Sinh lại nghĩ đến cái cảnh nghèo nàn khốn khó của chàng. Một cái bàn con xiêu vẹo bên góc tường, một cái chõng tre đã gẫy dăm ba nan, một cái ấm tích mất bông và mấy cái chén mẻ, nước cáu vàng… Trong cùng, một cái hòm da, dấu vết còn lại, của cái đời phong lưu độ trước…
Tất cả đồ đạc trong căn phòng chỉ có thế. Mà đã lâu lắm, quanh mình Sinh vẫn chỉ có những thứ đồ tồi tàn ấy, đã lâu lắm chàng đến ở cái căn phòng tối tăm, ẩm thấp này. Những ngày đói rét không thể đếm được nữa. Tiếng gió vi vút qua khe cửa ban đêm chàng nghe đã quen, cả đến cái mệt mỏi lả đi vì đói, chàng cũng đã chịu qua nhiều lần rồi.
Sinh thở dài. Chàng nhớ lại cái ngày bị thải ở sở chàng làm, cái giọng nói quả quyết và lạnh lùng của ông chủ, cái nét mặt chán nản, thất vọng của mấy người anh em cùng một cảnh ngộ với chàng… Từ lúc đó, bắt đầu những sự thiếu thốn, khổ sở, cho đến bây giờ…
Một tiếng guốc ngoài hè làm cho Sinh ngẩn lên trông ra phía cửa: vợ chàng về. Nàng vén cái màn đỏ treo ở cửa bước vào. Sinh thoáng trông cái thân hình của vợ in rõ trên nền sáng, một cái thân thể mảnh giẻ, gầy gò trong chiếc áo the mỏng phong phanh. Cảnh tượng ấy làm cho chàng xót thương…
Vợ chàng đi lại cạnh giường, yên lặnh nhìn Sinh không nói gì.
Sinh vơi lấy tay nàng kéo xuống bên mình, âu yếm hỏi :
- Em đi đâu mà sớm thế?
- Em lại đằng bà Ba ở cuối phố vay tiền.
Thế có được không?
Vơ Sinh nhìn chồng, thở dài lắc đầu :
- Ai cho chúng mình vay bây giờ. Bà ấy còn nhớ đâu đến khi trước vẫn nhờ vả mình.
Sinh buồn rầu, nói một cách chán nản:
- Thói đời vẫn thế, trách làm gì. Nhưng bây giờ làm thế nào?
Chàng nghĩ đến cái thạp gạo đã hết, mà trong túi không còn được một đồng xu nhỏ… Đã hai hôm nay, chàng và vợ chàng thổi ăn bữa gạo cuối cùng, đã hai hôm, cái đói làm cho chàng khốn khổ…
- Làm thế nào?
Vợ chàng nhắc lại câu hỏi ấy, rồi cúi mặt khóc. Một mối tình thương tràn ngập vào trái tim chàng như một làn sóng mạnh. Sinh nắm chặt lấy tay vợ ôm vào lòng, đắm đuối, thiết tha. Chàng chỉ muốn chết ngay lúc bấy giờ để tránh khỏi cái nghèo khốn khó, nặng nề quá, đè ở trên vai…
Buổi chiều đến đem theo những cơn gió lạnh lùng. Sinh bắc ghế ra cái hiên nhỏ trước cửa phòng, tựa vào bao lơn nhìn xuống nhà… Chỗ chàng thuê ở là một căn nhà hẹp và dài, chia làm nhiều phòng. Mỗi gian phòng là một gia đình che chúc ở, toàn là những người nghèo buôn bán ở các nơi.
Giờ này là giờ họ làm cơm. Trong thấy họ tấp nập làm lụng, Sinh lại nghĩ đến cái bếp nhà mình bây giờ vẫn còn tro lạnh, chàng lại lo không biết vợ đi từ sáng đến giờ sao mãi không thấy về, mà về không biết có đem cái gì không, hay lại chỉ một mối thất vọng như nhiều lần…
Nghĩ đến, Sinh lại đem lòng thương, thương người đàn bà xưa nay vẫn quen thói đài điếm phong lưu, mà bây giờ phải chịu khổ vì chàng… Hai bên gặp gỡ nhau trong một tiệc rượu dưới xóm cô đầu. Hồi ấy, chàng còn là một người có việc làm, còn là một người có lắm tiền. Quen biết nhau, rồi yêu mến nhau, chàng đã chẳng quản sự ngăn trở của nhà lấy nàng về. Đôi vợ chồng đã cùng nhau sống những ngày sung sướng, ái ân, những ngày còn để lại trong trí chàng một kỷ niệm êm đềm, mà mỗi khi nghĩ tới, chàng không khỏi bồi hồi. Rồi sự nghèo nàn đến, đem theo những cái nhọc nhằn, khổ sở, đem theo những ngày đói rét.
Tuy vậy, sự khổ sở chàng nhận thấy không làm cho vợ chàng bớt tình yêu đối với chàng. Cũng vẫn nồng nàn, đằm thắm như xưa, cái ái tình của đôi bên chỉ có thêm màu cay đắng vì xót thương nhau.
Cái hình ảnh một thân thể yếu đuối, mảnh giẻ in trên nền trời sáng buổi sớm mai lại thoáng hiện ra trước mắt Sinh. Chàng nhớ lại cái thất vọng không vay được tiền, đôi con mắt buồn rầu, đắm đuối nhìn chàng như ngụ biết bao nhiêu âu yếm, bao nhiêu hy sinh.
Một cơn gió đến làm cho Sinh thấy lạnh buốt tới xương. Chàng thấy đói, một sự đói vô cùng như trong đời chàng chưa thấy bao giờ. Đói như cào ruột, làm người chàng mệt lả đi, mắt hoa lên, trong vật gì cũng lờ mờ như lay động.
Khi còn đủ ăn, đủ mặc, chàng không hề để ý đến cái đói, không bao giờ nghĩ đến. Bây giờ chàng mới được hiểu biết cái đói như thế nào. Chàng rùng mình khi nghĩ đến trước cái mãnh liệt của sự đói, chàng cảm thấy sự cần dùng của thân thể tràn áp đuợc hết cả những lệ luật của tinh thần.
Mùi xào nấu đồ ăn ở dưới sân nhà đưa lên làm cho chàng khó chịu vô cùng. Sinh cúi đầu trên bao lơn nhìn xuống xem họ làm bữa cơm chiều. Các thức ăn tuy tầm thường, nhưng Sinh lấy làm lạ rằng chàng chưa bao giờ thèm muốn những cái đó như chàng thèm muốn bây giờ. Mấy miếng đậu vàng trong chảo mỡ phồng dần trên ngọn lửa, mấy con cá rán bắt đầu cong lại làm cho chàng ao ước đến rung động cả người…
Không bao giờ chàng thèm muốn như bây giờ cái miếng ăn kia.
Trước kia, khi nghe chuyện người ta tranh giành nhau vì miếng ăn, chàng vẫn mỉm cười khinh bỉ. Chàng cho rằng miếng ăn là một sự không đáng kể, chỉ có cái thanh cao trong sạch của linh hồn mới là cần. Nhưng bây giờ, trong cái phút đói này, chàng mới thấy rõ cái cần mạnh mẽ của miếng ăn là thế nào.
Và chàng, trước kia phong lưu trưởng giả, trước kia khi đi qua đám bình dân bẩn thỉu và nghèo nàn này, chàng vẫn khinh và tự hỏi không biết họ sống để làm gì, sống để mà khổ sở, để mà đói rét, không biết sống đối vơi họ có ý nghĩa gì mà còn ham mê quyến luyến. Bây giờ chàng lại ao ước được một miếng ăn như họ để sống qua cái rét mướt bây giờ…
Một bàn tay nhẹ nhàng để lên trên vai Sinh quay lại, vợ chàng tươi cười, giơ ra trước mặt mấy cái gói giấy bóng, gọn gàng, sạch sẽ, mà chàng thoáng trông, Sinh cũng nhận biết ngay là những thức ăn được, mà rất ngon, ở các hiệu tây mới có. Mùi thịt ướp và mùi giò thoang thoảng đưa qua. Sinh rung động cả tay khi lần cởi những giây buộc chung quanh. Chàng sung sướng hỏi:
- Ồ;! Ở đâu thế này? Em Mai lấy tiền đâu mà mua thế?
Mai nghe Sinh hỏi:
- Anh cứ ăn đi đã! Ăn cho đỡ đói, rồi em kể chuyện cho anh nghe. Thật là may quá, mà cái bà ấy thực phúc đức quá, anh ạ…
- Ai thế? Kể đi cho anh nghe.
Mai âu yếm nhìn chồng:
- Không, anh cứ ăn đi đã kia. Vừa ăn, em sẽ vừa nói chuyện…
Rồi nàng nhanh nhẹn đặt mấy cái gói giấy lên bàn, mở những tờ giấy bọc ngoài. Sinh nhìn thấy mấy miếng thịt ướp hồng hào, mỡ trắng và trong như thủy tinh, mấy khoanh giò nạc mịn màng, mấy cái bánh tây vàng đỏ…
Mai cất tiếng vui vẻ:
Thế này nhé, em ở nhà đi cũng là đi liều chứ thật không biết đến nhờ vả ai được. Anh còn lạ gì các bạn hữu bây giờ: họ thấy mình nghèo khổ, thì ai người ta giúp, vì có mong gì mình trả lại người ta được. Vì thế em mới lang thang ngoài phố, nghĩ lúc bấy giờ cực thân quá, anh ạ, chỉ muốn đâm đầu xuống sông cho rảnh… May quá, vừa lúc ấy, lại gặp ngay bà Hiếu, một người quen biết từ trước. Bà trông thấy em, vồn vã hỏi han như người bắt được của…
Mai nói nhanh, liếng thoắng:
- Bà tử tế quá… Cho em vay tiền, lại còn hứa giúp vốn để em buôn bán nữa. Rồi nay mai, em đi buôn cau, anh nhé. Thật không ngờ có bà biết thương người đến như thế…
Sinh sung sướng:
- Nếu không thì chúng ta đành nhịn đói ngày hôm nay. Nhưng sao em mua hoang thế này?
Mai cúi đầu cười, hai má đỏ hồng, mấy sợ tóc rối tung trên trán càng tăng thêm vẻ kiều mỵ của nàng.
Nàng thò tay vào trong túi áo, rút ra một tập giấy bạc, vứt ra trước mặt Sinh rồi nhanh nhẹn vui vẻ bước vào trong nhà.
- Anh đợi em một lát, em đi lấy dao cắt bánh.
Nàng quay lưng đi, Sinh chợt trông thấy trên mặt đất một mảnh giấy gấp rơi xuống đất. Chàng vô tình cúi xuống nhặt lên mở ra đọc:
Em Mai,
Đây, anh đưa em số tiền anh đã hẹn. Em muốn lấy nữa, anh sẽ cho em nốt, nhưng thế nào tối nay em cũng phải đúng hẹn đến đấy, anh đợi…
Tờ giấy trên tay Sinh rơi lúc nào chàng cũng không biết. Một cái sức nặng nề như đè nén lấy quả tim, làm cho chàng ngừng thở. Hình như một giây phút, bao nhiêu cái hy vọng sung sướng của đời chàng tan đi mất.
Sinh tưởng có thể chết ngay trong lúc ấy. Cái đau đớn chàng cảm thấy thấm thía, và sâu xa quá.
Còn mong gì đó là một sự không thật, một giấc mộng nữa. Không còn phải ngờ vực gì, cái số tiền kia chính là cái số tiền bên trong thư này. Ai cho vay mới được chứ! Sinh nhớ lại những ngày đi hỏi tiền, những buổi trở về thất vọng và buồn rầu, những lời tha thiết và oán hờn của vợ chàng kể lại, về cái lãnh đạm, hững hờ của những người nàng quen biết. Bà Hiếu là bà nào! Chẳng qua là một sự bịa đặt ra để che mắt chàng.
Sinh thấy cơn giận dữ nổi lên mãnh liệt trong lòng, đôi môi chàng tự nhiên nhách lên một cách khinh bỉ, chàng run người lên, khẽ rằn từng tiếng:
- Đồ khốn nạn.
Quả tim buốt như có kim đâm. Sinh nắm chặt lấy thành ghế, nhìn cuốn bạc giấy để trên bàn, nhìn gói đồ ăn đang mở dở rồi cúi mình xuống nhặt tờ giấy gấp lên.
Một lát, yên lặng. Rồi Sinh nghe rõ tiếng tấm màn vải ở cửa vắt lên trước gió, tiếng dép đi nhẹ nhàng, gần đến bên chàng… Sinh cố hết sức cắn môi để đè nén cơn giận dữ đang sôi nổi trong lòng, nắm chặt tay hơn nữa cho khỏi rung động cả người.
Tay vuốt nhẹ trên tóc Sinh, vợ chàng đưng sát hẳn ngay bên người. Nàng giở giấy ra, lấy dao cắt bánh, vui vẻ:
- Anh xem bánh này có ngon không? Em mua ở hàng Trống kia đấy. Miếng thịt ướp này là hạng ngon nhất, em đã phải trả đến năm hào đấy, anh ạ. Để em cắt cho anh nhé. Hinh như anh đói lắm thì phải. Em cũng thế. Thôi chúng ta hãy ăn cho no đã, rồi sẽ liệu sau…
Nàng cắt xong miếng thịt ướp, xếp lên đĩa, tươi cười nói tiếp:
- Kìa, anh ăn đi chứ? Thật là may cho chúng mình quá. Nếu hôm nay em không gặp bà Hiếu thì không biết chúng ta làm thế nào nhỉ?
Nàng vỗ vào vai Sinh, lay chồng:
- Làm thế nào? Lại nhịn như mọi hôm, chứ còn làm thế nào nữa, anh Sinh nhỉ! Anh nên cám ơn bà ta đi. Bà thật là một người tốt, hiền hậu biết thương người. Em vừa mở miệng hỏi, thì bà đã lần ruột tượng đưa ngay cho em 15 đồng tất cả đấy, anh ạ… Cuốn giấy bạc anh chưa đếm à? Em không nói dối anh đâu.
Cái giận của Sinh lên đến cực điểm: chàng không nén nổi nữa. Cái tên bà Hiếu làm chàng uất ức, vì chàng rõ những nhời giả dối của vợ chàng, giả dối một cách khôn khéo, tự nhiên như thật vậy… Mai lại đến nỗi như thế ư? Đôi mắt trong, cái khuôn mặt hiền hậu như thế kia không ngờ lạicó thể giấu được những sự tối tăm như bây giờ…
Vùng mạnh cánh tay, Sinh hất Mai ra xa như người ta hất một con vật đáng ghê sợ. Mai lảo đảo lùi lại sau ngã dúi vào tường, vành khăn tung, tóc xổ. Nàng giương to con mắt ngạc nhiên nhìn chồng:
- Ô hay! Anh làm sao thế?
Sinh cất tiếng cười, hai hàm răng rít lên, cái tiếng cười ghê gớm như tiếng cười của một người điên:
- Làm sao à? Cô lại còn hỏi tôi tại làm sao nữa… Thôi, đừng vờ đi, đừng giả dối nữa…
Sinh mở bàn tay giơ ra tờ giấy gấp đã nát nhàu:
- Thế cái giấy gì đây mới được chứ?
Mai trông thấy mặt xám đi, hai tay ôm lấy đầu, người run lẩy bẩy. Giọng nói của Sinh càng thêm vẻ chế riễu, mỉa mai, chua chát:
- Bà Hiếu tử tế đấy! Úi chà! Nào là bà ấy tử tế, nào là thương người, nào là hiền hậu… Sao không nói, bà ấy hẹn đến đêm nay lại đến nữa.
Mai cúi đầu ôm mặt khóc nức nở. Cái tiếng khóc ấy không làm cho Sinh bớt giận, lại chỉ làm tăng thêm lên như ngọn lửa đổ thêm dầu. Càng nói Sinh lại càng thấy cái giận như sôi nổi, bồng bột trong lòng. Mai sợ hãi nép vào tường, thổn thức, ngập ngừng, khẽ gọi:
- Anh Sinh… Anh…
Sinh như không nghe thấy tiếng, nói luôn:
Cô còn khóc làm gì nữa… Cô đi ngay đi, đi ra khỏi cái nhà này, tôi không muốn thấy mặt cô một phút nào nữa. Cô cầm lấy cái này…
Sinh giơ tay vơ cuốn giấy bạc trên bàn ném mạnh vào người Mai; giấy bạc tung ra rơi lả tả trên thềm. Chàng hất cả mấy gói đồ ăn xuống đất, những mẫu bánh, miếng thịt bắn tung tóe dưới bàn…
- Không ai thèm ăn những thứ khốn nạn này!
Rồi chàng mệt nhọc ngả người trên ghế, hai tay dây mỡ ôm lấy trán, không để ý đến Mai đang sợ hãi giơ tay về phía chàng cầu khẩn, van xin. Rồi nàng nấc lên khóc, kéo vạt áo che mặt, đi ra phía ngoài.
Sinh cúi đầu ngẫm nghĩ, cái giận dữ đã tan đi, đểlại một nỗi buồn rầu chán nản vô cùng. Sinh thấy trong lòng nguội lạnh, một cảm giác lạnh lùng như thắt lấy ruột gan. Nghĩ đến những ngày đói rét khổ sở đã qua, đến mấy năm sống trong cảnh nghèo nàn, Sinh uất ức căm giận cho cái số phận của mình. Nhưng tại sao lại có thêm một sự đau đớn nữa? Tại sao Mai trước kia đã từng bao phen khổ sở cùng chàng, đến bây giờ đem thân bán đi lấy một vài đồng bạc, tại sao Mai lại làm sự khốn nạn như giờ…
Bao nhiêu đau đớn trong tâm can làm Sinh thổ thức, nghẹn ngào. Quả tim không đủ chứa nổi nỗi đau thương, Sinh gục xuống bàn.
Một cơn gió hắt hiu thổi đến làm cho chàng rùng mình. Bỗng nhiên tất cả người chàng chuyển động: chàng vừa thoáng ngửi thấy cái mùi thơm và béo của những miếng thịt ướp mỡ còn dính ở tay.
Cơn đói lại sôi nổi dậy như cào ruột, xé gan, mãnh liệt, ác hẳn cả nỗi buồn. Chàng muốn chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lan ra cả khắp người như nước triều tràn lên bãi cát. Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi ngậy béo của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột, gan, như thấm nhuần vào xương tủy.
Sinh cúi xuống nhìn gói đồ ăn tung tóe dưới bàn, chàng lắm lét đưa mắt nhìn quanh, không thấy Mai đứng đấy nữa… Khẽ đưa tay như ngập ngừng, sợ hãi, Sinh vớ lấy miếng thịt hồng hào.
Sinh ăn vội vàng, không kịp nhai, kịp nuốt. Chàng nắm chặt miếng thịt trong tay, nhây nhớp mỡ, không nghĩ ngợi gì, luôn luôn đưa vào miệng…
Trong gói giấy, đồ ăn đã hết, chỉ còn những cái vụn nhỏ dính trên mặt giấy bóng mỡ. Sinh thấy nóng ran trong bụng. Chàng ưỡn người ra đằng sau khoan khoái thở dài. Nhưng chàng nhớ lại bức thư, cuốn giấy bạc, nhớ lại tiếng khóc thổn thức của Mai nép bên tường, nhớ lại những lời khinh bỉ, mỉa mai, chua xót. Chàng nhớ lại nỗi uất ức, đau đớn của mình…
Một cái chán nản mênh mông tràn ngập cả người. Sinh lấy hai tay ôm mặt, cúi đầu khóc nức nở.
Thạch Lam
Truyện ngắn (Thạch Lam)
* * *
Ngày chưa tắt hẳn, mặt trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây còn vắt ngang qua, mỗi lúc một mảnh dần, rồi đứt hẳn. Trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng dâng hương thơm ngát.
Sau tiếng chuông của ngôi chùa độ một giờ, thì thật là sáng trăng hẳn: trời bấy giờ trong thăm thẳm và cao; mặt trăng đã nhỏ lại, sáng vằng vặc, du như sáo diều; ánh trăng trong chảy khắp cả trên ngành cây, kẽ lá, tràn ngập trên con đường trắng xóa.
Trong cái vườn nhỏ bên bờ ao, Tuân nằm trên chiếc chõng kê vào bóng tối, ngửa mặt lên trời. Chàng nhìn trăng qua cành lá tre, cành lá sắc và đen như mực vắt qua mặt trăng, như một bức tranh Tàu. Rêu ở tấm đá bờ ao gần đó bốc lên hơi lạnh. Bức tường hoa giữa vườn sáng trắng lên, và lá lựu dày và nhỏ lấp lánh như thủy tinh.
Bóng cây râm mát quá, thân mật và kín đáo. Tim chàng đập mạnh lên. Tuân với tay, và lắng tai nghe: như có tiếng lá động, tiếng chân đi nhẹ nhàng và nhỏ nhắn. Một cành cây cong xuống rồi vụt lên, lá rung động lấp lánh ánh trăng như ánh nước.
Khóm hoa đơn rẽ ra, một bóng trắng mơ hồ tiến lại. Tuân giơ tay ôm lấy, cảm động thì thầm:
- Em…
Nàng không trả lời, yên lặng ngả vào lòng chàng.
Tuân cúi mặt vào đống tóc thơm, ngạt ngào một mùi hương quen mến. Tay ôm chặt lấy nhau, quấn quít. Chàng tìm đôi môi xinh đẹp của nàng, hé ra, hai hàm răng chạm vào nhau trong một cái hôn say mê và đau đớn.
Hồi lâu, hai người buông nhau ra. Mai gỡ tay vuốt lại mái tóc rối, những sợi tóc tung ra vuốt buồn trên da mặt chàng, vì hai người vẫn gần nhau quá. Họ nhìn nhau không chán. Tuân thấy trong bóng tối của vành khăn, hai con mắt Mai long lanh yêu mến. Chàng lại đỡ lấy nàng, ưỡn xuống để ánh trăng soi tỏ mắt. Không còn bóng tối bí mật và thân yêu nữa; mặt nàng đều đặn, cái cằm nhỏ, cái cổ tròn và trắng như sữa: đẹp quá, xinh quá, khiến chàng say sưa ngây ngất cả người. Mai nằm yên trên tay chàng; Tuân cúi xuống như cúi gần một bông hoa quí.
*
* *
Hai người gặp nhau trong căn vườn nhỏ này mới từ độ có trăng. Những ngày đầu, còn là cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, từ chập tối có bóng trăng đến lúc trăng lặn. Dần dần trăng ở trên trời càng lâu, cuộc gặp gỡ càng dài, và ái tình đôi bên càng đằm thắm, mạnh mẽ. Tuân và Mai yêu nhau với tất cả hăng hái say mê của tuổi trẻ, chàng mười tám, nàng mười sáu, như hai cái mầm non mạnh mới lên.
Hai nhà, vốn ở cạnh nhau. Thủa nhỏ, Mai và Tuân vẫn cùng nhau chơi đùa trước cổng; buổi tối, Mai lách rào chui sang vườn nhà Tuân, rủ nhau ngồi thầm thì trong bóng tối như hai đứa trẻ phạm tội. Đến khi tiếng mẹ nàng gọi vọng bên kia, Mai mới bỏ tay Tuân lách hàng rào chạy về.
Năm mười ba tuổi – nàng mười một -, Tuân theo bác lên tỉnh học. Chàng quên dần cô bạn bé bên láng giềng, và Mai có quên chàng không, cái đó Tuân không biết. Thỉnh thoảng về thăm nhà, Tuân đứng trong vườn bên này, thấy thấp thoáng bóng Mai bên kia. Có khi nghe tiếng nàng nói lanh lảnh, hay tiếng cười trong khuya lắm, những lúc nàng nói chuyện với các người làm công đập thóc ngày mùa.
Một hôm, Tuân ra cánh đồng trở về gặp Mai trước cổng nhà. Thấy Tuân, Mai e lệ, má đỏ bừng, nghiêng chiếc nón che ngang mặt. Tuân dừng lại, không biết nói gì. Một lát yên lặng. Rồi Mai quay đi. Tuân nhìn theo nàng bước trong ánh nắng, trong lòng xúc động bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa. Chiều ấy Tuân ra vườn ngồi trên bực đá bên bờ ao, nhìn cái lối đi cũ của Mai qua hàng rào, bây giờ cây đã lấp cao rồi.
*
* *
Hết nghỉ, Tuân lại ra tỉnh học, lần này chàng không có dịp về thăm nhà luôn nữa. Một năm, hai năm, rồi ba năm, Tuân không biết Mai bây giờ trở nên thế nào. Người con gái nghiêng nón che cái miệng cười chỉ còn để trong tâm trí Tuân một hình ảnh mờ mờ, xa xôi như làng mạc thôn quê ở chân trời sau sương chiều.
Gần qua kỳ nghỉ hè, Tuân sửa soạn vào Sầm Sơn tắm bể với vài người bạn, cả mấy cô bạn gái xinh đẹp và táo bạo cùng học một trường với chàng. Hôm sắp đi, mẹ Tuân ra tỉnh thăm con. Bà cụ kể lể việc nhà:
- Cô Mai bên hàng xóm, con có nhớ không? Năm nay sắp về nhà chồng.
Tuân dừng tay thu xếp đồ đạc, lặng người như nghĩ ngợi sự gì. Lúc sắp về, bà cụ hỏi:
- Con không đi Sầm Sơn nữa?
- Không; con về quê với mẹ.
Chiều hôm ấy, Tuân ra vườn. Ngày đầu tháng, trăng mới lên, mảnh trăng còn khuyết lặng lẽ đi ở góc trời. Nhìn sang bên kia, Tuân thấy bóng Mai mặc áo trắng thấp thoáng ngoài sân. Lòng chàng tự nhiên cảm động và hồi hộp, như đợi chờ một sự sung sướng không bờ bến. Đêm ấy, Tuân chưa dám lên tiếng; chàng tha thẩn ngoài vườn mãi tới khi sương lạnh xuống.
*
* *
Trăng mỗi đêm mỗi tỏ, mỗi khuya hơn. Từ chiều gió thơm nhẹ đã thoang thoảng tới: bông hồng nhung thẫm tan vào đêm tối, còn bông hồng trắng càng trắng mát thêm. Tuân ngồi trên bức tường hoa trong vườn, lòng đầy một sự hân hoan mới lạ. Không biết từ đâu, chàng chắc rằng đêm nay, chỉ đêm nay, Mai sẽ yêu chàng. Hình như Mai, cũng như chàng, đang đợi chờ cái giờ yêu mến say sưa mà hai người ao ước bao lâu.
Tuân cúi xuống với một bông hồng thơm ngát đưa lên miệng. Cánh hồng nhung đen sẫm như đêm tối lấm tấm nhị vàng, đậm một mùi hương nồng và ân ái. Khi trăng lên qua ngọn cây, Tuân đi ra cổng; trong bóng tối, Mai đã chờ sẵn đấy rồi. Chàng giơ tay đón nàng vào lòng: Tuân thấy trên ngực chàng tiếng đập mạnh của quả tim bé nhỏ, hơi thở ấm của nàng bên mái tóc. Lời nói đầu của đôi trẻ là một cái hôn đằm thắm và yên lặng.
Khi nàng gỡ tay ra, Tuân thấy trên má chàng ướt những giọt lệ nóng của nàng. Ngọt ngào, chàng hỏi:
- Em khóc đấy ư?
Mai không đủ sức trả lời, gục đầu vào vai chàng. Tiếng khóc nức nở làm rung động tấm thân nhỏ bé của nàng. Tuân thấy trong lòng bỗng cảm thương Mai vô hạn.
ái tình của hai người lẫn đắng cay và nước mắt. Họ yêu nhau tha thiết và say mê. Trong bóng tối, nàng nói cho Tuân nghe những nỗi nhớ mong của nàng. Tuy Tuân không biết, nhưng Mai đã yêu từ thuở nhỏ, nhớ mong chàng những ngày Tuân lên tỉnh. Chàng sung sướng khi biết cái tình yêu ấy; nhưng sao bây giờ mới biết? nay mai nàng đã sắp phải đi lấy chồng.
Từ đó, khi trăng lên, hai người lại gặp nhau trong vườn, ngồi trên bục đá nói chuyện ái ân, và yêu nhau như thời khắc không bao giờ hết.
*
* *
Tối hôm nay là tối cuối cùng.
Tuân và Mai ngồi chờ trên bục đá; mãi tới khuya trăng mới lên, lạnh lẽo và có sương mù. Yên lặng, hai người nghe tiếng lá khô rơi trên cành cây; dưới ao, một con cá đớp động chân bèo, làm mặt nước vòng ra ánh trăng lấp lánh. Mai tựa người vào Tuân, nghẹn ngào hỏi một câu mà nàng đã nhắc không biết bao nhiêu lần:
- Mai anh đi thật ư?
Nàng ứa nước mắt không nói được nữa. Tuân nắm chặt lấy tay người yêu, không biết trả lời thế nào. Chàng muốn nói an ủi Mai, nhưng lại thôi. Lòng chàng còn trẻ quá, chàng không tưởng được có sự tuyệt vọng không cùng. Chàng không tưởng được rồi sẽ phải cùng với Mai xa nhau mãi mãi.
Nỗi buồn không xua đuổi được tình yêu. Mai và Tuân bàng hoàng như người trong mộng. Nàng vòng tay qua cổ Tuân kéo chàng cúi xuống nàng hòa hợp trong một cái hôn lặng lẽ. Đôi môi nàng chảy máu và đau đớn; Mai sung sướng chịu đau, gửi thác trong cánh tay Tuân tất cả thân thể và tâm hồn trong sạch của nàng.
*
* *
Tuân đi đã ba ngày rồi.
Trong những ngày ấy, Mai không nhớ gì nữa. Hình như bao nhiêu tâm trí của nàng đã đi theo Tuân tận đâu đâu. Nàng thẫn thờ ngồi lặng hàng giờ, mắt khô vì nàng đã khóc nhiều quá rồi.
Sáng nay, họ nhà trai mang đồ lễ đến. Mẹ nàng vui vẻ ra tiếp chuyện. Người chồng sắp cưới của nàng xúng xính trong bộ quần áo mới, ngượng nghịu và hoan hỷ. Mai ngồi yên trong buồng nghe tiếng cười nói ở nhà ngoài.
Tối đến, lúc cả nhà yên nghỉ, Mai lặng lẽ lách rào sang bên vườn. Nàng đến ngồi trên bục đá bên bờ ao, chỗ vẫn ngồi với Tuân. Nhưng đêm nay trăng lên muộn. Nàng ngồi mãi, sương xuống lạnh thấm vào da nàng. Bóng tối thêm dày cả góc vườn. Trong cụm hồng phảng phất có bông hoa nở, hương thơm dịu thoang thoảng bốc lên khiến Mai lại nhớ lại lần đầu ngả mình trong tay chàng.
Khuya lắm, gần về sáng trăng mới lên: một mảnh trăng buồn rầu ảm đạm, mờ mờ sau rặng cây cuối vườn. Khi ánh trăng lên tới mình nàng, Mai gục đầu trên tay khóc nức nở: lòng tan nát nàng khóc cho tình yêu và cho cuộc đời nàng.
Sáng hôm sau cha mẹ Tuân thấy nàng nằm chết dưới vệ ao, mái tóc xổ ra vương lẫn với cánh bèo.
Thạch Lam
MỘT CƠN GIẬN . Thạch Lam.
MỘT CƠN GIẬN .
Thạch Lam.
Một buổi tối muà đông, chúng tôi ngồi trước lò sưởi, trong một căn buồng ấm áp. Tự nhiên trong câu chuyện, một người nói đến những cơn giận tự nhiên đến tràn ngập cả tâm hồn ta và có khi gây nên nhiều cái kết quả không hay. Rồi mỗi người đều bày tỏ ý kiến riêng của mình.
Anh Thanh, từ nãy đến giờ vẫn lặng yên có vẻ trầm ngâm, cất tiếng nói:
- Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ. Tôi biết hơn ai hết, vì chính tôi đã trải qua sự đó. Tôi sẽ kể các anh nghe một câu chuyện mà cái kỷ niệm còn in sâu trong trí nhớ tôi.
Cũng một buổi chiều mùa đông như hôm nay, tôi ở tòa báo ra về, trong lòng chán nản và buồn bực. Có những ngày mà tự nhiên không hiểu tại sao, ta thấy khó chịu, và hay gắt gỏng, không muốn làm việc gì. Tôi đang ở vào một ngày như thế mà chiều trời hôm ấy lại ảm đạm và rét mướt càng khiến cho cảm giác đó rõ rệt hơn.
Tôi đi vài bước trên con đường phố vắng người. Một cái xe tay dằng xa đi lại, anh phu xe co ro vì rét, hai tay giấu dưới manh áo tơi tàn. Theo lệ như mọi khi, tôi mặc cả:
- Xe đi không? Bốn xu về gần nhà bò Yên Phụ.
- Thầy cho sáu xu.
- Không, bốn xu là đúng giá rồi.
Tôi vừa nói vừa bước đi. Người phu xe đã có tuổi, cứ kéo cái xe theo sau tôi mà lẩm bẩm: “Bốn đồng xu từ đây về nhà bò”. Cái tiếng nhà bò anh ta nhắc đi nhắc lại làm cho tôi khó chịu. Tôi biết đó là một cách của các phu xe cứ đi theo sau khách để làm cho người ta bực tức, tôi lại càng ghét và quay lại gắt:
- Có đi hay không thì thôi! Đừng có theo sau người ta mà lải nhải.
Thấy tôi gắt, người phu xe đứng lại, không dám theo nữa. Nhưng để tôi đi một quãng xa, anh ta ới gọi:
- Lại đây đi mà.
Rồi anh ta hạ càng xe xuống, cứ đứng yên chỗ ấy đợi chứ không kéo lại phía tôi. Cái cử chỉ ấy làm tôi sinh ghét thêm, đã toan không đi, nhưng lúc ấy không có cái xe nào khác. Tôi giận dữ bước mạnh lên xe, vừa mắng:
- Anh thật là lắm chuyện, không đi ngay lai còn vẽ.
Anh xe cãi lại:
- Từ đây về đấy thầy cho được bốn đồng xu thật rẻ quá!
- Thì ai bảo anh đi? Không có tôi đã gọi xe khác.
Người phu xe khẽ thở dài, yên lặng nhấc xe lên. Lúc bấy giờ tôi mới ngả mình ra phía sau, nhưng thấy cái đệm cưng như gỗ đập vào lưng, tôi cúi xuống bên nhìn cái tay xe.
Tôi đoán không sai, chính là một cái xe hiệu “con lợn” cái tên hiệu cũng xứng đáng một hạng xe tàng ở ngoại ô mà tôi vẫn phải đi. Anh xe này đã vào đây kéo trộm, vì xe ngoại ô không được phép vào thành phố đón khách, nếu không tuân lệnh thì bị phạt từ ba đến bốn đồng bạc. Sự tồi tàn của cái xe làm tôi càng ghét anh xe nữa.
- Xe khổ thế này mà anh lại còn đòi cao giá.
- Xe thế mà thầy chê thì còn thế nào nữa!
Anh xe bướng bỉnh cũng không chịu kém. Tôi nói câu gì là anh ta đối lại liền. Sau cùng, giận quá, tôi dẫm mạnh chân xuống sàn xe, gắt:
- Thôi, câm họng đi, đừng lải nhải nữa.
Sự giận dữ làm cho tôi quên rằng anh xe cũng chỉ có trả lời những câu mắng của tôi mà thôi, và chính tại tôi gắt với anh ta nhiều quá. Nhưng lúc bấy giờ tôi chỉ thấy tức người xe ấy đến cực điểm, vì hắn dám cãi lại tôi mà không sợ.
Xe đi khỏi nhà máy nước thì gặp một người đội xếp tây đi xe đạp lại, theo sau một người đội xếp ta. Tôi nhận thấy anh xe kéo tôi có ý luống cuống và sợ hãi. Có lẽ vì thế mà người cảnh sát để ý, đi giáp vào cái xe kéo để xem dấu hiệu.
- Ê! Đứng lại!
Người kéo xe dừng chân…Anh ta quay lại tôi hớt hải van xin:
- Lạy thầy… thầy nói giúp con…thầy làm ơn…
Dưới ánh đèn tôi thấy mặt anh xe tái mét. Những vết răn in sâu xuống trên mặt già nua hốc hác, chân tay người khốn nạn ấy run bật lên và tôi thấy cái rung động chuyển cả vào chiếc thân xe.
Người cảnh sát tây đến, nói bằng tiếng ta hơi sõi:
- Mày chết nhé! Mày sẽ bị phạt!
Người phu xe ấp úng nói thì ông ta khoát tay bảo im, rồi quay lại tôi hỏi, lần này bằng tiếng Pháp.
- Người này kéo ông từ trong phố ra hay ông đi khứ hồi?
Tôi liếc mắt nhìn anh kéo xe. Trong bóng tối của vành nón qua ngang mặt, tôi thấy hai mắt anh ta long lanh nhìn tôi, như khẩn cầu van xin yên lặng. Tôi biết lời nói của tôi sẽ làm anh ta bị bắt hay không. Những khi nói chuyện với các phu xe khác, tôi được biết rằng nếu người khách nói là đi khứ hồi từ ngoại ô, thì người xe không việc gì. Nhưng lúc ấy, lời van xin của anh xe kia không làm cho tôi động lòng, mà lại làm cho tôi ghét anh thêm. Tôi trả lời người đội xếp:
- Tôi đi từ phố hàng Bún.
- Vậy phiền ông xuống xe.
Rồi anh ta nhìn anh phu xe, cười một cách tinh quái:
- Allez! Đi về bót!
Khi anh phu xe run sợ và hai người cảnh sát đã khuất đầu phố, tôi mới quay đi thong thả trên bờ hè. Cơn giận của tôi đã hết rồi. Sự hối hận dần thấm thía vào lòng tôi, tôi thấy một cái chán nản bực tức rung động trong người.
Tôi rung mình nghĩ đến số phận của anh xe khốn nạn. Ba đồng bạc phạt! Anh ta phải vay cai xe để nộp phạt; nhưng ba đông bạc nợ ấy, bao giờ anh ta trả xong, sau những ngày nhịn đói, bị cai xe hành hạ, đánh đập vì thù hằn?
Tôi càng nghĩ đến bao nhiêu lại càng khinh bỉ tôi bấy nhiêu. Qua ô Yên Phụ, nhìn thấy những thợ thuyền tấp nập làm việc dưới ánh đèn trong những căn nhà lá lụp xụp, tôi rảo bước đi mau, hình như trông thấy tôi họ sẽ biết cái hành vi khốn nạn và nhỏ nhen đáng bỉ của tôi ban nãy.
Những ngày hôm sau thực là những ngày khổ cho tôi. Lòng hối hận không để tôi yên. Hình như có một cái gì nặng nề đè nén trên ngực làm cho tôi khó thở, và lúc nào hình ảnh anh phu xe cũng hiển hiện ra trước mắt.
Tôi nhất đinh đem tiền đến cho người xe kia để chuộc tội lỗi của mình. Đến phố hàng Bột hỏi dò những người chung quanh xưởng xe, tôi biết được anh xe bị phạt đêm hôm ấy là tên Dư, và ở trong một dãy nhà quá ngã tư Khâm Thiên.
Lần ấy là lần đầu tôi bước vào một chỗ nghèo nàn, khổ sở như thế. Các anh thử tưởng tượng một dãy nhà lụp xụp và thấp lè tè, xiêu vẹo trên bờ một cái đầm mà nước đen và hôi hám tràn cả vào đến thềm nhà. Trong cái hang tối tăm bẩn thỉu ấy, sống một đời khốn nạn những người gầy gò, rách rưới như những người trong một cơn mê.
Người phu xe Dư ở trong ấy. Một bà cụ già gầy giơ xương ngồi cắn chấy ở vệ hè chỉ cho tôi một cái cửa thấp bé ở đầu nhà. Tôi cúi mình bước vào, chỉ thấy tối như bưng lấy mắt và thấy hơi ẩm lạnh thấm vào tận trong mình. Có tiếng người đàn bà khẽ hỏi:
- Bẩm thầy muốn gì?
Khi mắt mắt đã quen tối, tôi nhận thấy người đàn bà vừa hỏi, một bà già ở mép một chiếc giường tre mục nát kê ở sát tường. Sau lưng bà này, một người đàn bà nữa ngồi ôm trong lòng một vật gì hơi động đậy. Cả hai cùng ngước mắt lên nhìn tôi một cách ngạc nhiên và đầu họ chạm vào mái nhà thấp, đầy những mảng giẻ rách nát vắt trên xà.
- Bác Dư có nhà không?
- Bẩm, chú nó đi về quê vắng từ hôm nọ.
Một vẻ sợ hãi thoáng qua trên mặt đủ tỏ cho tôi biết họ không nói thật, tôi giảng giải:
- Không, cụ cứ nói thật cho tôi biết. Tôi đến để giúp bác ta chứ không có ý gì khác.
Bà cụ nhìn tôi nghĩ ngợi một lát rồi nói:
- Thế thầy đã biết việc chú nó bị bắt xe hôm nọ?
Tôi gật đầu ra hiệu cho bà cụ cứ nói:
- Hôm ấy cai nó phải đem tiền lên nộp phạt để chuộc xe về. Chú nó đã xin khất với cai để rồi trả dần số tiền đó. Nhưng nó nhất định không nghe, bắt phải trả một nửa ngay. Khốn nạn, thì lấy đâu ra mà trả. Thế là bị nó lột quần áo đánh một trận thừa sống thiếu chết thầy ạ. Khi về đây lê đi không đuợc nữa. Thế mà nó còn bắt mai phải trả ngay.
Người đàn bà ngồi trong cất tiếng ốm yếu nói theo:
- Nó còn bảo hễ không trả nó sẽ bắt lấy thẻ.
- Thế bây giờ bác ta đâu?
Bà cụ trả lời:
- Đi ngay từ hôm ấy, mà không biết đi đâu. Đã ba hôm nay chúng tôi dò mà không thấy. Chắc là sợ cai không dám về nữa, dù có về mà không có tiền cũng chết với nó. Thật cũng là cái va, nghe đâu chú nó nói hôm ấy tại người khách đi xe không biết nói với người đội xếp thế nào mới bị bắt, chứ không cũng chẳng việc gì.
Tôi yên lặng, trong lòng náo nức.
Bà cụ chép miệng, chỉ người đàn bà ngồi sau:
- Tội cho vợ con chú đây, ốm đã mấy ngày hôm nay không có thuốc. Đứa cháu không biết có qua khỏi được không?
Tôi đứng lại gần xem. Trên cánh tay người mẹ, chỉ còn là một dúm thịt con đã nhăn nheo: đứa bé há hốc miệng thở ra, măt xám nhợt. Người mẹ thỉnh thoảng lấy cái lông gà dúng vào chén mật ong để bên cạnh, phết lên lưỡi của đứa bé.
- Cháu nó sài đã hơn một tháng nay. Hôm nọ đã đỡ. Mấy hôm nay vì không có tiền mua thuốc lại tăng. Ông lang bảo cháu khó qua khỏi được.
Người mẹ nói xong nấc lên một tiếng rồi nức nở khóc. Bà cụ già lê nhíc lại gần, cúi xuống khe khẽ kéo lại những cái tã rách như xơ mướp.
Cái cảnh đau thương ấy làm tôi rơm rướm nước mắt. Một cảm giác nghẹn ngào đưa lên chẹn lấy cổ. Tôi lấy tờ giấy bạc năm đồng đưa cho người mẹ, rồi vội vàng bươc ra cửa, để mặc hai người nhìn theo ngờ vực.
Qua ngưỡng cửa, tôi va phải một người đàn ông ốm yếu tay cắp một cái áo quan con bằng gỗ mới. Đến bên đường, tôi nghe thấy trong căn nhà lụp xụp đưa ra tiếng khóc của hai người đàn bà.
Đứa bé con đã chết.
Anh Thanh lặng yên một lát như nghĩ ngợi, rồi nói tiếp:
- Cái kỷ niệm buồn rầu ấy cứ theo đuổi tôi mãi mãi đến bây giờ, rõ rệt như các việc mới xảy ra hôm qua. Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng người ta có thể tàn ác một cách dễ dàng. Và mỗi lần tôi nghĩ đến anh phu xe ngoại ô kia, lại thấy đau đớn trong lòng, như có một vết thương chưa khỏi.