++ ++ THÂN MẾN CHÀO CÁC BẠN ++ ++

Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012



Gặp một truyện ngắn cảm động quá ...
Vọng biển
Nga phát bịnh khi anh Hưng, người yêu của nó mất tích vào tháng một năm bảy tư. Anh Hưng là Hải quân đóng ở Hoàng Sa.
Cả tỉnh này, cả miền Nam ngùn ngụt lửa căm hờn, uất hận mà đỉnh điểm là cuộc biểu tình ở sân vận động thành phố. Cả rừng người giương cao biểu ngữ và đồng thanh hô to những câu khẩu hiệu chống xâm lăng và biểu thị lòng yêu nước… Nga, hôm ấy khác hẳn một Nga lử đử rả rượi mấy ngày trước đó. Nó lao ra phía trước khan giọng đả đảo hoan hô. Cái áo dài trắng của nó đẩm ướt hết một khoảng lưng, mặt nó đầm đìa mồ hôi và đỏ hồng phừng phực lửa đấu tranh. Đầu tiên nó còn đi guốc. Ngày đó, bọn nữ sinh chúng tôi thường dung guốc Đa Kao. Sau ném cả guốc chân đạp đất đạp cỏ đạp bụi, bất kể, Nga băng băng chạy qua cả ngàn người leo tót lên khan đài, hai tay giơ quá đầu và miệng hét vang. Tiếng hét tiếng rống của Nga lẫn vào vô vàn âm thanh ồn động ở sân vận động, hôm ấy, nên chằng ai nhận ra ra đã nói gì? Tôi ngóng muốn gãy cổ chỉ thấy nhang nhác và nhấp nhóa. Nhang nhác bóng Nga trong nhấp nhóa bóng nắng.. "Nga điên mất rồi". Ai đó đã nói thế và tôi vội quay sang, trừng mắt "Nó điên bao giờ. Chỉ gấu quá. Thật may, cái gấu cái hung dữ của nó được mọi người lẳng lặng sẻ chia trong nỗi ngậm ngùi.
Anh Hưng, người yêu của Nga không đẹp trai theo chuẩn mực bình thường. Mà đẹp ở ngay hấp lực giới tính. Những khi được nghỉ phép, anh Hưng đứng bên kia cổng trường đón Nga tan học và cứ thế, cặp đó tà tà đi trước, còn bọn con gái chúng tôi chầm chậm bước theo. Và tất cả đều mê mẩn. Mê gì? Mê cái mùi đàn ông đậm đặc theo gió lùa tới từng đứa con gái một, đang ríu ra ríu rít ở hàng sau. Thế nên cái chết của anh Hưng không chỉ đem lại sự buồn đau cho mỗi một mình Nga. Tôi có cảm giác đó! Sau buổi chiều biểu tình chống giặc ngoại xâm ở sân vận động, Nga trầm hẳn. Nó rút sâu vào buồng riêng không nói không cười không ăn. Tôi tới nhà gặp Nga và giật thót cả người, nghĩ thầm :"Chẳng lẽ là thật?". Mẹ Nga nước mắt ngắn, dài và bố nó độp ngay một từ gọn lỏn :"Điên" khi tiễn tôi về. Rồi thấy Nga bình thường trở lại. Vẫn áo dài trắng guốc mộc cặp sách để ngang ngực điệu đàng đến trường. Nga giỏi toán và rất khác, với cái "tuýp" những đứa con gái như thế này. Trời ơi! Cồ lắm kia! Chẳng khác gì cái thằng, làm sao biết chưng diện và chăm chút cho bản thân. Nga, là ngược lại. Rất nữ tính chẳng trách nó yêu anh Hưng.
Sự biến Hoàng Sa xảy ra vào trung tuần tháng một thì đâu gần cuối tháng ấy, có năm người lính Hải quân trôi giạt vào vùng biển này trong tình trạng kiệt quệ. Được biết các anh đã lênh đênh nhịn đói nhịn khát trên biển cả chục đêm ngày. Lập tức họ được chuyển đến quân y viện và rất may, tất cả đều được cứu sống. Tin loang đi rất nhanh và ngay trong buổi học sáng ấy, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Nga. Đúng như dự đoán của mọi người, Nga biến mất vào giờ ra chơi để rồi suốt mấy ngày sau đó, không hề bén mảng đến trường. Tôi gặp bố Nga ở cửa phòng giám thị, chắc bác ấy đến xin phép cho con. Thấy tôi, bố Nga chẳng nói gì chỉ lắc đầu nhè nhẹ. Ngay trong tuần sau, tôi và mấy cô bạn trong ban chấp hành nhà trường được chọn để trao vòng hoa cho những người lính Hải quân ấy. Đây, chỉ là một phần nhỏ trong buổi lễ tuyên dương công trạng của các anh. Và buổi lễ ấy đã diễn ra, nhanh và gọn, trong khuôn viên của sân bay thành phố. Với sự có mặt của tỉnh trưởng và một số quan chức địa phương. Các anh vẫn còn mặc đồ bệnh viện màu xanh, rời chỗ ngồi nơi khan đài dã chiến đi thành hàng một và đứng dàn ngang, chờ đợi. Mỗi đứa chúng tôi cũng từ đó bước xuống sân, cũng đi thành hàng và cũng dàn ngang. Cả bầu không khí im sững… Người đàn ông đứng trước tôi có nụ cười rất tươi và đôi mắt sáng, dù, nét mệt mỏi nhợt nhạt chưa hề mất đi. Tôi run người, với ý nghĩ vòng hoa trong tay mình nặng trịch không cách gì nhấc lên nổi. Hai nữ sinh đứng hai bên tôi cũng thế và rồi, người đàn ông ấy cất lời: "Mấy anh chờ lâu quá rồi nghen". Một giọng Nam bộ thân thiết và chân chất đến rưng lòng. Giọng nói ấy với cái dáng gầy gò và khuôn mặt xanh nhớt của anh, nhiều năm đã trôi qua, sao mà tôi vẫn chưa thể quên được. Dù, đời tôi tính từ lúc đó cho đến tận giờ trãi qua nhiều biến cố. Thế mà, nụ cười anh đôi mắt anh cứ ghim chặt vào tâm hồn tôi. Có phải vì anh từ cõi chết trở về? Có phải vì anh là lính biển trấn giữ Hoàng Sa? Có phải, Tổ quốc nơi trái tim tôi đây luôn thổn thức và thắc thỏm, từ một ngày kinh hoàng như thế với nhân dân tôi và với đất nước này? Ngày 19/1/1974 khi Hoàng Sa chìm trong khói đạn?
Tối đó, Nga tới nhà rủ tôi đi ăn chè và bảo :
- Tao biết ngay anh Hưng không có trong mấy người lính Hải quân đó.
- Mày tới quân y viện hỏi thăm à?
- Ừ! Nhưng họ đều biết nhau. Nhắc đến Hưng, họ khóc… Anh Hưng chết ngay trong đợt tấn công đầu. Lính biển giữ đảo đâu có nhiều…
Cũng tối đó, Nga bảo muốn hỏi tôi hai câu. Câu thứ nhất :
- Theo mày, tao có điên như mọi người nghĩ không?
- Có.
Câu thứ hai:
- Tao điên có kinh khiếp không?
- Có hồi rất ghê như cái tối tao vào buồng thăm mày và có khi rất lành nhưng mà cái điên thì không giấu được. Điên thật mày ạ! Chỉ may…
- Sao?
- Là mày điên không có những nét chungchung như mấy người điên khác.
Nghe, Nga cười rất to khiến tôi không đừng được cũng cười theo. Hai đứa tôi còn cười mãi và rất khuya, mới chịu lôi nhau ra hỏi quán và lếch thếch đi bộ về. Đường vắng ngắt. Thi thoảng, một tiếng súng ở đâu đó vọng về phố, nhắc cho chúng tôi nhớ rằng quê hương mình hãy còn chiến tranh. Tiếng súng, khiến nhói long. Hai đứa dừng hẳn lại, dựa sát vào nhau như chở che và tự nhiên, Nga hát. Hết bài này đến bài khác. Là những ca khúc viết cho chiến tranh cho tình yêu. Giả dụ như "Cho một người nằm xuống" của Trịnh Công Sơn. Học với nhau bảy năm, đủ để tôi hiểu âm nhạc với Nga là con số không to đùng. Dân giỏi toán thường thế và Nga, không là ngoại lệ. Hẳn, Nga chỉ mới tìm đến âm nhạc sau cái chết của anh Hưng. Và lập tức bị cuốn hút. Nếu không thê, sao Nga có thể hát mê sảng, điên loạn đến dường này. Không phải Nga mà con yêu tinh quỉ quái nào đó vừa nhập vào xác Nga và hát. Ngập ngụa âm khí và ma mị trong giọng hát lào khào và ngất ngưởng, khi Nga cất ca lời réo đòi : "… Bạn bè còn đó anh biết không anh? Người tình còn đây anh nhớ không anh? Vườn cỏ còn xanh mặt trời còn lên nhưng bóng anh như cánh chim chìm xuống …" Mùa đông đã đi qua, vậy mà, tôi tê lạnh hết cả người. cái rét buốt ở những nỗi niềm của Nga chập chung vào những cơn đau, nỗi lẻ đơn trong Nga dổ tràn hết lên tôi. Và, tôi chống chếnh trong một cảm giác ớn rợn chỉ muốn ngã nhào. Vội ngồi bệt xuống vĩa hè và cứ thế nhìn thẳng lên trời đêm trong tiếng hát yêu tinh của Nga dẫn dụ. Có một phút giây tôi liếc nhìn đứa bạn mình sấp ngửa liêu xiêu giữa lòng đường lòng đêm và hát. Nga hát còn hơn cả nhập đồng. Nga hát như thế, thì, chỉ có thể là lên cơn điên là đang lưng chừng một cơn điên bất ngờ đột nhập và cơn điên phát lộ và cơn điên bốc tỏa, người ta mới có thể hát bắt ghê rợn đến dường ấy. Như Nga, một khuya của tháng một năm bảy tư.
Ngay lúc đó, tôi đã hiểu sẽ không còn một lần nào Nga hát nữa. Mà quả có vậy …
*
Năm 78, Nga lấy chồng. Một giáo viên dạy cùng trường, đẹp trai, hiền lành. Có một sự cố trong đám cưới, tôi vẫn nhớ tới giờ. Là ngay đêm trước hôm rước dâu, cái valy ắp đầy quần áo, đồ dung cá nhân của nó bị kẻ trộm rinh mất. Ngày ấy, xoay sở cho được ngần ấy thứ, ái chà! Đã giỏi mà cũng phải rất khổ đấy nhé! Chả trách trông Nga bần thần hẳn, hôm cưới. Bằng tiếc của ấy mà. Kết hôn được vài năm, chồng Nga leo lên được chức trưởng bộ môn tự nhiên ở một trường cấp hai trong thành phố nhưng Nga, đành nghỉ dạy để chạy chợ kiếm tiền nuôi con. Đầu tiên Nga bán thuốc tây ở chợ trời do có đường dây ở nước ngoài, thường xuyên gởi hàng về. Hồi đó còn ngăn sông cấm chợ nên mua bán kiểu đó là bắt buộc phải chùng lén rồi. Công việc của Nga, mỗi ngày, là ngồi ở một chỗ quen không quên giơ cái bản mặt cũ mốc cũa mình ra cho các mối mua bán thấy. Gặp mánh mới về lấy thuốc và gặp công an, quản lý thị trường là cắm đầu chạy. Sau, Nga bỏ công việc này dù kiếm được rất khá. Vì, ảnh hưởng công tác của chồng. Nó sắm đồ nghề làm bánh đi bỏ các mối ngoài phố, bến xe, ga tàu lửa. Mấy loại bánh rất hợp thời như ga tô củ mì… Rồi nó làm thêm bánh ít, bánh ú tro để bán trong những rằm lớn hoặc mấy nhà có cúng giỗ. Nhờ vợ không còn mua gian bán lận nữa, nên đường tiến thân chủa chồng Nga thông thoáng hẳn. Đã leo lên được tới chức hiệu phó phụ trách chuyên môn. Nhờ mẹ cho ăn uống no đủ, hai đứa con của Nga cũng mập mạnh hơn con nhà người.. Thi thoảng chúng tôi mới gặp nhau và cũng chỉ nói, hỏi loanh quanh chuyện gia đình và việc mưu sinh. Chẳng ai muốn nhắc lại chuyện ngày xưa. Thôi thì hãy bay biến đi quá khứ cùng với dăm ba cơn điên của một thời con gái, khốc liệt mà ngọt ngào.
Vậy mà đúng mười năm sau Nga phải nhập viện.
Tôi đến thăm nó lúc sẫm chiều. Nga hỏi về những trận hải chiến ở Trường Sa hôm 14 tháng 3 vừa qua. Câu hỏi như một luồng điện xẹt qua tâm trí tôi và phát nổ. Có cảm giác rất rõ là lửa đang bùng lên, rất nhanh và thật mạnh, từ cuống họng và lửa trườn xuống hai lá phổi, trái tim… Cái nóng rẫy không lối thoát vì bị bịt kín, chóng vánh, hun đốt hết cả con người mình, bỏng rát. Tôi với lấy chai nước Nga cầm theo và nốc cạn. Giọng nhỏ nhẹ, điềm tĩnh, Nga kể :"Tao có đứa em con ông cậu ruột ở Cam Ranh bị dính đợt này, nên mới biết". Ngày ấy thông tin ít ỏi lắm! Nên, những gì tôi nhặt nhạnh được cũng chẳng nhiều nhặn gì. Nga bảo vừa biết về thằng em, tức thì, cái đầu nó đau buốt. Đau nhức kinh khủng rồi làm việc lộn xộn rồi đánh con, gây gỗ với hàng xóm. Có đến dăm lần Nga bưng cả soong bột đổ lên người chồng rồi có khuya, tạt cả lò lửa hong bánh ra vườn sau. May là than còn rất ít và vào ban đêm,nên chằng có ai qua lại. Mọi người bảo nó làm việc nhiều, thức khuya dậy sớm nên mất ngủ thường xuyên, khiến thần kinh không ổn. Đi khám, bác sĩ cho cả vốc thuốc. Uống hàng ngày mấy vốc chả khỏi còn nặng hơn, thế là, chồng gửi vào đây. Nga kể về tình trạng bệnh tật của mình, hết mực bình thường. Cái sự kể bình thường về những sự việc chẳng bình thường tí nào khiến mắt tôi nong nóng, cay cay. Đêm xuống nhanh, tôi với nó cứ ngồi mãi ngoài bãi cỏ trong bóng tối. Bởi không ánh sáng không đèn điện đèn dầu, Nga đâu biết là tôi khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên má nóng hổi thấm tháp hết bờ môi, chát mặn. Chia tay, Nga hỏi :
- Mày nghĩ tao có điên?
- …
- Mày có biết vì sao?
Câu trả lời đã có sẵn nhưng rất may, tôi kịp giữ lại cho riêng mình. Nên rất ra vẻ quyết đoán, bảo :"Chỉ cần mày dứt ra khỏi công việc, đêm được ngủ đầy đủ, được nghỉ ngơi là khỏi ngay ấy mà".
Tôi còn đến thăm Nga thêm vài lần nữa. Thấy nó hơi lửng lửng, vậy thôi! Đúng ra, tôi có tận mắt chứng kiến một lần Nga… điên, ngay ở đó. Nga đánh và rượt tay y tá chạy trối chết. Sao mà nó khỏe khoắn và hung hăng thế! May, có tôi. Chứ không mấy hộ lý và bảo vệ ở bệnh viện đã trói gô Nga lại rồi. Tôi không chịu nổi, khi thấy Nga trong tình trạng đó. Và muốn khóc, mỗi lần, nhìn Nga xếp hàng cùng với các bệnh nhân đi lần về phía người y tá và đón lấy mấy viên thuốc cùng ly nước, uống cái ực. Cũng vì lẽ đó, tôi đã đến gặp chồng Nga, để, đề nghị người đàn ông này cho vợ rời viện ngay. Tôi đã biết có người chớm bệnh vào nhà thương, là điên luôn. Ba cái thứ thuốc ấy làm tê liệt thần kinh người ốm. mà bằng chứng rõ nhất là Nga, càng lúc càng lử đử hơn đần độn hơn. Chồng Nga còn lưỡng lự, tôi tới nhá bố mẹ Nga và được hai bác ủng hộ hết mình. Bác gái khóc quá! Bảo đúng lá sau khi thằng Hưng chết,cái Nga nó có phát điên. Nhưng gia đình giữ riệt nó ở nhà rồi bạn bè tới lui an ủi. Được yêu thương chăm sóc nó bớt dần và đã khỏi bệnh đấy thôi!
*
Khi thằng lớn nhà Nga vào đại học, Nga theo con vào sống ở Sài Gòn. Thi thoảng mới về đây và về, lần nào cũng đến tôi chơi rất lâu. Trong đám bạn cũ, hình như, Nga chỉ còn có mỗi mình tôi Nga vẫn lúc tửng tửng lúc không. Những khi đầu óc tỉnh táo, Nga nhớ và nhạy bắt sợ. Cái gì Nga đã lưu trong bộ nhớ thì đừng hòng nó quên. Nga nắm bắt rất nhanh những gì được chỉ dẫn, nếu là chuyện nó ưa. Chẳng hạn chuyện máy tính rồi mạng miếc. Trời ơi! Nga siêu. Tôi có hi nghĩ lẩn thẩn: "Không lẽ nhờ di chứng mấy cơn điên để lại?".
Lâu lâu, bộ nhớ của Nga chợt bật lóe và tôi, ắt hẳn là người duy nhất nó sử dụng và tận dụng hết cỡ cái sự nhớ này. Hình như trong những cơn chập cheng ập đến, bất thường, Nga đã kịp nhận ra mình hãy còn một con bạn, lắm khi, cũng muốn điên điên hay sao! Và, Nga mặc nhiên réo gọi tôi hành hạ tôi hết sức tự nhiên. Nga có thể gọi điện lúc hai, ba giờ sang để hỏi thăm về bà Đệ, thầu rác cho sở Mỹ đầu thập niên bảy mươi. Mà ú ớ hả? Sớm, nó nhắc rác. Trưa, nó kể rác và khuya khoắc, vẫn chưa thôi chuyện rác. Ngôi nhà tôi, cứ thế rác chất ngập và tôi đi trên rác, thở trên rác…Tâm trí tôi, cứ thế rác chất chồng và tôi khóc mếu và tôi cười to cùng rác. Rác quăng quật tôi, rác đánh đuổi tôi hụt hơi khiến tôi không đừng được phải trách mụ Đệ, sao không thầu thứ gì khác của sở Mỹ, cho tôi nhờ.
Có lần Nga gửi cho tôi hủ mắm cá linh với một lá thư tay viết rất dài. Đọc, tôi biết ngay nó gỏ "google" về cá linh và chép lại y chang. Những nào xuất xứ, kiểu đánh bắt, cách ăn… Những thông tin ấy, tất nhiên của nhiều tác giả, nhưng cái kết đúng bảy dòng, đích thị là của Nga. Đại khái, bạn tôi bảo phải ăn cho bằng hết mới nhận ra là mắm cá linh rất ngon. Nghĩ thế, cần gì phải điên? Nhưng, những bước tìm đến với một loại sản vật hết sức công phu, như kiếm chọn thông tin, lọc lựa, chép tay lại hàng chục trang A4, chắc hẳn, chỉ có người điên mới có thể! Hồi trước, tôi rất thích "Hoàng tử Bé" của Saint Exupéry và "Câu chuyện dòng sông" của Hermann Hesse. Hẳn, Nga có biết và lưu giữ luôn trong bộ nhớ để rồi, một chiều ở Sài Gòn cái sự biết này bất chợt quay trở lại. Thế là Nga hồn nhiên đội mưa đi kiếm sách cho bạn và các con Nga, hồn vía thất kinh, khi lùng sục khắp nơi mới tìm được mẹ, ướt đầm và lạnh run. Sau đó Nga có mail cho biết là đã tìm ra "Hoàng tử Bé" và hứa, sẽ gửi cho tôi quyển sách còn lại. Tôi sống, Nga gửi theo đường bưu điện và tôi chết, Nga gửi theo đường hỏa tang. Nga còn viết thêm là sách rất nhẹ ký nên không cần phải dung đến đài hóa thân hoàn vũ vì rất tốn kém. Đọc xong cả người tôi cứ ớn lạnh và không dưng, nước mắt lăn dài. Còn sau khi mẹ tôi mất, quyển "Bông hồng cài áo" của Nhất Hạnh được Nga gửi tặng, khiến tôi khóc ròng.
*
Xen kẻ trong những lần về chơi ngoài này là, những lần nó ở nhà thương. Tôi đau long nhận ra bạn mình u trầm hơn nhàu nhỉ hơn, sau mỗi lần gặp lại. Nhưng khác với đám bạn trên, dưới sáu mươi của mìh khuôn mặt đứa nào đứa nấy đều bị những vết nám to hoặc nhỏ, thưa hoặc dày ngang nhiên chiếm chỗ. Nga không hề. cũng vì điều này, tôi có lần đùa là cái nhân vật có tên là lão hóa ấy mà, nó cũng biết sợ người điên chứ bộ! Đó! Thấy Nga. Sợ chạy mất…nám luôn!
Thằng con lớn của Nga đã lập gia đình và thằng sau sắp xong đại học. Các cháu bảo chính mẹ đòi vào viện. Thằng út trầm ngâm: "Giá như tụi con rảnh để chuyện trò với mẹ và chăm chút cho mẹ". Con dâu Nga rất hiếu nhưng vợ chồng nó quá bận. Tôi luôn bắt gặp trong đôi mắt rựng đỏ của cháu sự hối lỗi và vô vàn lời xin lỗi, dành cho mẹ chồng của mình. Nghe bảo trong gia đình, cháu là người phản đối nhất chuyện để mẹ ở viện. Nhưng nhà sém cháy mấy lần vì Nga sử dụng điện, bếp ga sao đó! Rồi cả căn hộ ngập nước khi Nga dung máy giặt. Nga chửi một ông tiến sĩ ngữ văn đến nhà chơi, là xuẩn ngốc, ngu dốt khi cả hai tranh luận về văn học Pháp. Việc này chỉ gây ảnh hưởng chứ không khiến hệ lụy, nếu như, cái ông đây không là sếp của con trai Nga… Sau tất cả sự cố đại loại thế, con dâu Nga mới đành chịu.
Ở viện, Nga cũng được hưởng nhiều ưu tiên hơn các bệnh nhân khác. Chắc nhờ sự ngoại giao của các con, Nga được ở chung với chỉ một người. Hai phụ nữ trung niên, có học với một phòng tương đối tiện nghi và những cơn điên lành hiền. Trước đây, mấy đứa giao hẳn cho mẹ một cái laptop và sau, mua tặng mẹ cái Ipad. Tôi luôn cho rằng thần kinh của Nga không bị tê liệt hẳn, nhờ thường xuyên dùng máy tính. Phép màu là ở đấy chứ, chẳng phải ở sự tài giỏi của bác sĩ đâu. May mắn sao, khi Nga đâm sầm vào thế giới mạng và mê say. Bởi, ba cái thuốc tâm thần phải nốc, mỗi ngày, cầm giữ những cơn điên bộc phát nhưng lại khiến người ta mụ mị hơn, ngây dại hơn. Ở trong hoàn cảnh của Nga cũng không có cách nào khác. Không ở bệnh viện, Nga còn biết sống nơi đâu? Bố mẹ Nga đã mất, các em Nga đều ở đây. Chúng nó rất thương chị nhưng ai, cảnh đấy! Chồng Nga đã có gia đình khác và hai đứa con đời sau của ông ấy, đang học cấp một nên cũng vất vả lắm!
Nga làm bạn với mạng miếc suốt ngày. Nó lục tung, đào xới thâm nhập vào đủ thứ chuyện, từ đây. Và một ngày, đoạn phim này đập vào mắt Nga. Đó là cảnh các chiến sĩ nắm chặt tay nhau đứng chôn chân trong biển hứng hết loạt đạn này đến loạt đạn khác. Coi xong, Nga rú hét kinh hoàng… Không ai hiểu chuyện gì đã xảy ra khiến Nga bị kích động đến dường ấy. Nga đưa ra yêu cầu là tất cả bác sĩ, y tá, hộ lý phải ngồi xúm vô một chỗ để Nga mở cái đoạn phim đó cho mà coi. Có vài người phản đối và Nga tay xách cây tay cầm ghế đòi phang đòi chặt. Nga vùng thoát và tấn công không thương tiếc gã bảo vệ tính cột trói Nga lại. Ai đó đã gọi điện cho các con Nga và nửa tiếng sau vợ chồng, anh em chúng nó vào. Nga lao vô mấy đứa với thái độ khiêu khích, không quên, gầm rú liên hồi:"Sao giấu? Sao giấu mẹ hả?" Khi thằng út, không hề né tránh những cái tát nảy lửa của mẹ mà vẫn mở rộng vòng tay đòi ôm thì Nga dúi vào lòng con và khóc lên, nức nở.
Nga khóc như vậy đúng hai ngày đêm. Các cháu thay phiên nhau ngồi bên mẹ, dỗ dành. Qua cơn, Nga đòi thằng đầu cho xuống căn tin ăn một gói mì, uống một ly cà phê với ít đường và nhiều đá. Ở đây, Nga nhỏ nhẹ hỏi:
- Tụi con có biết về đoạn phim đó?
- Dạ! Tụi con coi ngay hồi mới phát tán trên mạng.
- Ở Trường Sa phải không?
- Dạ, ở đó. Ngay Gạc Ma.
- Thằng Tí, con cậu Chín của mẹ ở Cam Ranh dính đợt này . Đúng không?
- Dạ! Đúng là hồi đó.
- 14/3/1988. Phải không?
- Dạ! Phải.
- Thấy gục xuống và chết hết. Con có biết là bao nhiêu?
- Dạ. Cả thảy là 64 người.
Nga lẩm bẩm "sáu bốn" một tràng dài, rồi thôi. Và thôi luôn những cơn điên, ngay sau đấy! Là thế, cách Nga tỉnh. Nhưng đồng thời, bộ nhớ về máy tính của Nga bỗng dưng bị xóa sạch./.
Nguyễn Mỹ Nữ
Truyện ngắn dự thi Tuần báo Văn Nghệ - Hội Nhà Văn Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét