++ ++ THÂN MẾN CHÀO CÁC BẠN ++ ++

Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

NHỚ NHỮNG BÀI THƠ HAY HỒI ĐI HỌC...LẠI THẤY RƯNG RƯNG NHỚ TẾ HANH...

Nhà thơ Tế Hanh đã qua đời lúc 12g ngày hôm nay (16-7) tại Hà Nội sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh xuất huyết não.

Tế Hanh tên thật là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20-6-1921, tại thôn Đông Yên, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thuở nhỏ học trường làng, trường huyện sau ra học tại trường Quốc học Huế.

Ông sáng tác thơ từ sớm và đã đứng trong phong trào Thơ mới với tập Nghẹn ngào giành giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn.

Tình yêu Quê hương là đề tài xuyên suốt đời thơ TẾ HANH
Bài thơ Quê Hương (1939) ông viết  khi ông đang học ở Huế là một bài thơ rất giàu những hình ảnh đẹp về nghề chài lưới và về những làng chài thân thuộc cuả quê hương,cùng những cảnh lao động cuả ngư dân miền biển...Đó là hình ảnh quê hương và cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá - Cảnh đón đoàn thuyền trở về - Và nỗi nhớ quê hương...

tauca


 

QUÊ HƯƠNG .
TẾ HANH


Chim bay dọc biển đem tin cá
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới :
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông.

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.
Cách buồm giương to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió .

Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
"Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe",
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.

Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá !

TẾ HANH (1939)




Một bài thơ khác, cuả tác giả HUY CẬN, bài thơ này thời đó tôi chưa biết, nhưng tôi thấy hay và rất thích .Bài này được dạy trong chương trình môn Văn lớp 9 -THCS ...và nhiều năm được chọn làm đề thi tốt nghiệp cuối cấp - chắc hẳn là rất nhiều học sinh bây giờ cũng vẫn còn nhớ...



ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ .

Huy Cận

Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi

Hát rằng : Cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi !

Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.


Cá nhụ,cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở : sao lùa nước Hạ Long .


Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào .

Sao mờ,kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp, buồm lên đón nắng hồng.

Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Hồng Gai , tháng 10- 1958


PS:

- " Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào ."

- "Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe",
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.

- hic ! hic! ...

 

babui_062009_18

5 nhận xét:

  1. Hu hu...Sông thì cạn, biển thì mất!
    Hổng biết bạn ST có nhớ câu này không nhỉ? "sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ..." Hổng biết nên điền cái gì vào chỗ trống!

    Trả lờiXóa
  2. ơ ...thì ..thì ..."...chân lý ấy không bao giờ thay đổi. "...nhưng chân lý nào mới được chớ ? hu hu...chớ còn dzụ chân lý kia sao thấy ai nói đó hổng giống dzí hiện thực (!)

    Trả lờiXóa
  3. Hôm qua vào nhà ST đọc entry này làm chị nhớ lung tung , nhớ bài thơ của Tế Hanh , nhớ người thầy chị kính mến, nhớ ngôi trường thuở bé . Hôm nay post bài thơ này cho ST đọc thử nè

    Những ngày nghỉ học tôi hay tới
    Đón chuyến tàu đi đến những ga
    Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
    Lòng buồn đau xót nỗi chia xa



    Tôi thấy lòng thương những chuyến tàu
    Ngàn đời không đủ sức đi mau
    Có chi vướng víu trong hơi máy
    Những chiếc toa đầy nặng khổ đau

    Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề
    Khói phì như nghẹn nỗi đau tê
    Lâu lâu còi rúc nghe rên rỉ
    Lòng của người đi réo kẻ về

    Kẻ về không nói bước vương vương
    Thương nhớ lan xa mấy dặm trường
    Lẽo đẽo tôi về theo bước họ
    Tâm hồn ngơ ngẩn nhớ muôn phương.
    (Những ngày nghỉ học_Tế Hanh)

    Trả lờiXóa
  4. @ Chị Gió:

    Chị Gió đang có chút gì xao động à ? Vì những nỗi nhớ về cái thời mình còn mài đũng quần trên ghế nhà trường sao ? Có phải chăng vì những kỷ niệm đó thật êm đềm nhưng cũng thật khó quên , như nhiều người nói thế ?...

    Em cũng có một Cô giáo dạy văn thuở đó, rất dễ thương chị ạ, dễ thương như ...như chị Gió vậy đó.Có lẽ vậy mà những gì cô dạy, tự nhiên thấy hay và nhớ hoài...hi hi...(cho nịnh chị chút chút nha? hehehe ...vì cái nick Gió & con người dễ thương cuả chị Gió đó! ) . Nhà thơ Tế Hanh có nhiều bài thơ tự sự tụi em thích lắm, vì nó rất hồn hậu, dễ thương, mộc mạc...
    Bài thơ chị post mang nhiều cảm xúc chia ly của người đi kẻ ở, tiễn biệt nhau nơi sân ga...trong đó có đoạn :

    -"Tôi thấy lòng thương những chuyến tàu
    Ngàn đời không đủ sức đi mau
    Có chi vướng víu trong hơi máy
    Những chiếc toa đầy nặng khổ đau"

    ...đoạn thơ với hình ảnh con tàu (cũ kỹ) đó , sau này có nhiều người đem so sánh với một đoạn thơ - hình ảnh những con tàu khác - trong bài "Tiếng hát con tàu" cuả CLV để ca ngợi những năm tháng miền bắc XHCN cuồn cuộn chảy theo dòng thác xây dựng - khác xa với cái xã hội cũ kỷ, nặng nề, kém cõi ...

    - "Tây Bắc ư có riêng gì Tây Bắc,
    Khi lòng ta đã hoá những con tàu"
    ...

    -"Anh có nghe gió ngàn đang rú gọi,
    Ngoài cửa ô?Tàu đói những vầng trăng.
    Đất nước mênh mông, đời anh nhỏ hẹp,
    Tàu gọi anh đi, sao chửa ra đi ? "
    ...

    -"Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội,
    Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga"
    ....

    Em thấy có gì đó, nó như "ánh chớp" (hổng phải ánh sáng - Ánh sáng và phù sa), hehe...một sự "dú ép" hình như ít thực tế và có vẻ 'hình thức chủ nghĩa" hơn, dường như có sự uốn nắn, gia công...nên khó "cảm " hơn, Hic!Hic!

    Bài thơ khác, cũng nói về những con tàu, cũng trên sân ga, và cũng cảnh tiễn biệt người đi - kẻ ở, nhưng đầy "tâm trạng"hơn, và vì thế, em thấy nó "thơ" hơn....hehehe . Em post chị coi thử he ?

    NHỮNG BÓNG NGƯỜI TRÊN SÂN GA

    (Nguyễn Bính)

    ***
    Những cuộc chia lìa khởi từ đây
    Cây đàn sum hợp đứt từng dây
    Những lời bèo bọt, thân đơn chiếc
    Lần lượt theo nhau suốt tháng ngày

    Có lần tôi thấy hai cô bé
    Sát má vào nhau khóc sụt sùi
    Hai bóng chung lưng thành một bóng
    - “Đường về nhà chị chắc xa xôi?”

    Có lần tôi thấy một người yêu
    Tiễn một người yêu một buổi chiều
    Ở một ga nào xa vắng lắm
    Họ cầm tay họ, bóng xiêu xiêu

    Hai người bạn cũ tiễn đưa nhau
    Kẻ ở sân ga, kẻ cuối tàu
    Họ giục nhau về ba bốn bận
    Bóng nhòa trong bóng tối từ lâu

    Có lần tôi thấy vợ chồng ai,
    Thèn thẹn chia tay bóng chạy dàị
    Chị mở khăn giầu, anh thắt lại,
    Mình về nuôi lấy mẹ, mình ơi!

    Có lần tôi thấy một bà già
    Đưa tiễn con đi tận chốn xa
    Tàu chạy lâu rồi, bà vẫn đứng
    Lưng còng đổ bóng xuống sân ga

    Có lần tôi thấy một người đi
    Chẳng biết về đâu nghĩ ngợi gì
    Chân bước hững hờ theo bóng lẻ
    Một mình làm cả cuộc phân ly

    Những chiếc khăn màu thổn thức bay
    Những bàn tay vẫy những bàn tay
    Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt,
    Buồn ở đâu hơn ở chốn này ?

    Tôi đã từng chờ những chuyến xe
    Đã từng đưa đón kẻ đi về
    Sao nhà ga ấy sân ga ấy
    Chỉ để cho lòng dấu biệt ly ?

    Hà Nội 1937

    Trả lờiXóa
  5. Tự thơ đã là một tiếng rung .Khi ta phải cố đánh vào thơ để mong có một tiêng rung thì ... thơ chết .
    Chị may mắn được làm trò của nhiều thầy dạy văn rất giỏi ...Thầy Huy năm lớp bảy , thầy Đào Quang Mỹ ( chủ nhiệm báo Ngàn Thông ) năm lớp chín ,Nhà thơ Tô Nguyệt Đình năm lớp 11 , nhà sư Thanh Trúc năm 12 , Cha Thanh Lãng ...và nhiều giáo sư nữa ở Văn Khoa những năm Đại học . Chị không chỉ được học về cơ sở lý luận, xuất xứ hoặc phương pháp viết ...mà còn được học về cách nhìn , cách cảm , cách thấm văn học đầy tính nhân bản . Chị suốt đời mang ơn các vị thầy

    Thú thật chị không đi học sau 75 , chỉ phải nhận những gì bắt phải nhận nên chị ít cảm thật sự . Đôi khi vẫn thấy xa cách với nền VH bây giờ . May là mỗi giờ lên lớp với chị vẫn còn tinh khôi . Song Thu ạ . Chị có entry mới về cảm xúc nhớ ngày đi học . Rảnh qua chị nghen

    Trả lờiXóa