++ ++ THÂN MẾN CHÀO CÁC BẠN ++ ++

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Say "NO" to "Made in China" (!)

Hàng hóa thực phẩm rẻ tiền được sản xuất
từ một “nước mới”… MADE IN P.R.C.

Thế giới trong mấy năm gần đây, nhất là năm vừa qua kinh hãi vì các cơ quan bảo vệ người tiêu thụ, cơ quan thực phẩm của các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Canada, và nhiều nước tại Âu Châu phát hiện có quá nhiều độc chất trong hàng hóa thực phẩm của Trung Quốc. Những chất hóa học được Trung Quốc cho vào để giữ thực phẩm tươi hoặc khô không mốc thối là những hóa chất công nghệ rất độc hại cho cơ thể, bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Do vì cơ thể không có khả năng tự đào thải các loại chất tầy trắng, chống mốc được Trung Quốc cho vào thực phẩm và bán ra khắp nơi trên thế giới. Các hóa chất nầy bám vào các bộ phận trong cơ thể mà gây ung thư. Cơ thể chúng ta có 220 loại tế bào khác nhau, như tế bào máu, tế bào da, tế bào bắp thịt…Các tế bào theo sinh hoạt bình thường của chu trình đào thải và tăng trưởng, sinh thêm các tế bào mới cần thiết cho cơ thể, giúp cơ thể hoạt động và khỏe mạnh, do đó chúng ta phải biết bảo vệ cơ thể mình. Khi các hóa chất độc hại bám vào các nơi trong người chúng ta, chúng sẽ công phá tiến trình thoái hoá và tăng trưởng tế bào mà sinh ra nhiều tế bào dị hình không cần thiết/dư thừa đan kết vào nhau. Những tế bào dư thừa nầy có thể tụ lại làm thành bướu/u hoặc bướu thịt, là quá trình của nguy cơ dẫn đến nhiều căn bệnh ung thư.
http://vietcongonline.files.wordpress.com/2011/04/210.jpg?w=500&h=302
Made in P.R.C (People Republic of China). Người tiêu thụ theo dõi báo chí nắm được rõ ràng những thông tin như thế, đã kinh hãi ”tẩy chay” hàng Tàu. Cái khó khăn của chúng ta là đi đâu cũng gặp phải hàng Tàu. Hàng Tàu đầy ngập tại các cửa hàng Á Châu. Hàng Tàu lan tràn tại các siêu thị, thương xá, cửa hàng trên phố. Ở đâu cũng nhan nhản hàng hóa thực phẩm Tàu. Chính vì thế khi đi mua sắm, người tiêu thụ chúng ta phải mất thì giờ tìm đọc gói hàng/thực phẩm xuất xứ từ đâu. Đọc thấy dòng chữ ”Made in China” là chúng ta tránh ngay. Ngoài vấn đề các hóa chất độc hại được sử dụng trong thực phẩm gây nguy hại đến tính mạng người tiêu thụ, hàng hóa Tàu còn rất mau hư, nên việc tránh mua dùng hàng Tàu là chuyện hợp lý. Khi thế giới giảm mức tiêu thụ hàng Tàu một cách rõ rệt, Trung Quốc bèn ”qua mắt” người tiêu thụ chúng ta bằng cách bỏ câu ”Made in China” trên bao bì của hàng hóa/thực phẩm Tàu, và thay vào đó là câu ”Made in P.R.C”. Vô tình chúng ta lại mua hàng Tàu trở lại, vì lầm tưởng P.R.C là một nước nào đó. Thực sự P.R.C là China, là Trung Quốc. “P.R.C.” là chữ viết tắt của People Republic of China, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc.
Thời gian sau nầy khi “Made in China” bị tầy chay và khi “Made in P.R.C” bị phát giác, mức tiêu thụ hàng Trung Quốc bị tụt dốc thê thảm, Trung Quốc nghĩ ra mưu kế khác để lừa người tiêu thụ không nhận diện được mặt hàng của Trung Quốc bằng những phương thức xảo quyệt khác. Xin thử lấy một thí dụ để tiện việc giải thích:
Nước Mỹ và một trong những siêu thị lớn của Mỹ là Wall-Mart chẳng hạn, nếu nhập hàng từ Trung Quốc vào do Tổng công ty Wall-Mart đặt mua. Trung Quốc sẽ ghi ”Made for Wall-Mart USA” hoặc ”Packaged in USA”. Nghĩa là Sản xuất/làm cho Wall-Mart (Made for Wall-Mart) hoặc “Vô hộp/đóng gói tại Hoa Kỳ” (Packaged in USA). Hàng Tàu nhập vào các nước, trong trường hợp nầy là vào nước Mỹ, qua Hải Quan Mỹ bằng những kiện hàng to lớn, ghi rõ nơi sản xuất là “Made in China” đúng theo luật định của Mỹ (cũng như Canada, Âu Châu và nhiều nước trên thế giới). Nhưng khi những kiện hàng được tháo ra và hàng được sắp lên quầy bán lẻ cho người tiêu thụ thì những gói hàng nhỏ được mở ra từ những kiện hàng to lớn đó được ghi “rõ” ”Made for Wall-Mart USA” hoặc ”Packaged in USA”, với mục đích đánh lừa người tiêu thụ. Và trong trường hợp nầy câu “Made in China” khó lòng đọc thấy.
Nếu cất công tìm tòi chúng ta sẽ thấy câu ”Made in China” nằm khuất lấp một nơi trong các dòng chữ nhỏ li ti. Và với một kích thước rất nhỏ như thế người tiêu thụ sẽ khó lòng thấy được. Với lối vô bao/đóng gói nằm trong cách trình bày được đề cập đến như trên, người đi mua hàng rất dễ bị lừa. Người lớn tuổi đi chợ mua hàng không đeo kính, có thể vì quên kính lão ở nhà, hoặc đôi khi do vì hai tay đang cầm nhiều hàng hóa để chọn lựa sẽ “lười” không lấy cặp kính trong xách tay ra đeo vào mắt, sẽ chỉ thấy chữ USA. Người trẻ tuổi do vội vàng cũng sẽ chỉ thấy chữ USA, được Trung Quốc gian xảo cho ghi ngay tại một nơi trên gói hàng, đập ngay vào mắt người tiêu thụ. Xin hãy cẩn thận khi mua hàng để đừng bị Trung Quốc gạt bằng những mánh khóe nầy.
http://vietcongonline.files.wordpress.com/2011/04/35.jpg?w=484&h=915
Nên tránh đồ ăn sản xuất tại Trung Quốc có sữa ở trong đó. Hoặc tốt nhất là hoàn toàn tránh tất cả các loại thực phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc .
 
Thức ăn Tàu:
Tại các tiệm Á Châu/Tiệm Tàu các bà nội trợ đi chợ mua Mì sợi, Mì gói, Bún, Bánh Phở v.v…cố gắng tìm đọc chữ “Made in China” để tránh mua hàng Tàu. Nhưng với mánh khóe ghi chữ “Made in P.R.C” hoặc in nhãn bằng tiếng Việt, rất dễ làm chúng ta bị nhầm lẫn và cứ ngỡ rằng đó không phải là hàng Tàu. Không để ý, người tiêu thụ sẽ nghĩ rằng hàng sản xuất từ Việt Nam. Mua về dùng, vô tình chúng ta đem thức ăn độc hại về cho bữa ăn trong gia đình.
http://vietcongonline.files.wordpress.com/2011/04/43.jpg?w=360&h=360
Đũa Tàu:
Hàng hóa thực phẩm Trung Quốc là chuyện dài, chỉ chấm dứt nếu chúng ta thông tin cho nhau rõ ràng, đồng lòng và cẩn thận tránh xa không tiêu thụ. Một công bố từ Đài Loan cho hay, các loại đũa ”ăn liền” cũng như một số lớn các loại đũa bình thường, sản xuất tại Trung Quốc, nếu đem ngâm vào nước sôi sẽ làm nước đổi sang màu vàng/sủi bọt trắng, do hóa chất tẩy trắng và chống mốc độc hại trong đũa tan ra. Tại Singapore, giáo sư Jakson Mathis lưu ý dân chúng Singapore không nên dùng một số loại đũa được chế tạo và nhập cảng từ Trung Quốc. Các cuộc khảo sát cho thấy tất cả các lọai đũa Trung Quốc nhập vào các nước chứa một lượng độc chất rất cao. Vật liệu làm đũa gỗ của Trung Quốc là gỗ được đốn từ rừng, ẩn tiềm nhiều loại nấm độc. Các cây gỗ đốn xuống được để lại trong rừng chờ tải về hãng xưởng. Các loại nấm độc sinh sôi nẩy nở do mưa nắng và sự ẩm ướt trong thời gian chờ đợi nầy. Số gỗ nầy khi được chở về hãng xưởng đã bám đầy nấm độc. Để diệt nấm độc khỏi làm gỗ mốc đen không sử dụng được cho việc sản xuất đũa gỗ, các hãng sản xuất tại Trung Quốc cho ngâm gỗ vào các thùng rất lớn chứa hoá chất rất độc hại với mục đích làm cho gỗ đỡ bị mục. Sau đó gỗ được rửa bằng các hoá chất độc hại khác như thuốc tẩy để gỗ được trắng và sạch mốc. Để đạt được một sản phẩm “sạch sẽ” không mốc đen, các hãng xưởng sản xuất đũa tại Trung Quốc đã tiêu thụ một số lượng hoá chất độc hại lớn hàng ngàn lần tiêu chuẩn quốc tế cho phép.
http://vietcongonline.files.wordpress.com/2011/04/54.jpg?w=360&h=360
Gạo nhựa Tàu:
Một loại thực phẩm khác đã được Trung Quốc tung vào Việt Nam đó là “Gạo Lạ”. Đây là tên loại gạo giả của Trung Quốc được một số người mua bán trong nước đặt tên. Loại gạo giả nầy hay là “Gạo Tàu” làm bằng khoai tây/khoai lang xay nhuyển và trộn với bột nhựa (resin). Nhiều hình ảnh và thông tin về loại gạo giả nầy cho thấy, Gạo Nhựa Tàu nầy có thể nấu trên 30 tiếng đồng hồ vẫn không làm gạo nát nhừ, trái lại hạt cơm vẫn nguyên vẹn và hoàn toàn không dính nhau. Trong mớ gạo/bao gạo Tàu loại nầy được mua về, không có hạt gạo bể lẫn lộn. Tất cả các hạt “Gạo Nhựa Tàu” nầy đều có cùng một kích thước và màu sắc giống nhau.
Buổi tối khi vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm nóng hổi ngon lành do người mẹ/người vợ nấu và dọn cho gia đình, hãy tưởng tượng bữa cơm nấu bằng Gạo Nhựa Tàu, chúng ta sẽ nghĩ đến chất Melamine (bột nhựa) Trung Quốc đã trộn trong sữa trẻ em vào năm 2008 đã làm cho trên 300.000 trẻ thơ bị bệnh thận và 6 em bị thiệt mạng. Món ăn chúng ta nấu nếu là thực phẩm Tàu và được ăn bằng Đũa Tàu, việc trước mắt là chúng ta và gia đình sẽ lần lần bị độc chất đi vào cơ thể bám vào các bộ phận trong người, gây rối loạn cho chu trình sinh diệt lành mạnh của các tế bào. Sự kiện độc chất bám đầy và hủy hoại sinh hoạt của tế bào trong cơ thể sẽ gây nên những căn bệnh ung thư đau đớn chết người. Xin hãy thận trọng trong việc mua hàng hóa thực phẩm Tàu để tránh bệnh hoạn cho gia đình chúng ta. Sức khỏe của gia đình nằm trong khả năng bảo vệ gìn giữ của người nội trợ chúng ta. Chúng ta có bổn phận tuyệt đối phải cẩn thận khi đi chợ/mua hàng, vì thế  TỐT NHẤT NÊN TRÁNH XA HÀNG TÀU.
UYÊN HẠNH
Tháng Tư 2011

Nguồn: Ở đây

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

MỖI NGƯỜI CÓ MỘT QUÊ HƯƠNG ... HIC!



Bài thơ QUÊ HƯƠNG của tác giả ĐỖ TRUNG QUÂN đã làm rung động trái tim của biết bao người Việt , bởi ai cũng có một quê hương để yêu, để thương, để nhớ ...và quê hương đã đi vào thơ, vào nhạc , vào lòng người ... qua nhiều thế hệ .


" Quê hương mỗi người chỉ một"  -  "Như là chỉ một mẹ thôi "   -  nhưng sao cho tới giờ mà mẹ Việt Nam vẫn chưa nguôi dòng suối lệ  ??? Có phải chăng vì  "Mỗi người có một quê hương " ?  

 
Quê Hương
*

( Bài Học này của quan ...tham ).



Quê hương là gì cũng được
Nào ai bắt buộc phải yêu ?
Quê hương là gì mặc kệ
 

Cần chi phải hỏi quá nhiều ?

 
Quê hương là con bò sữa
Các quan cùng vắt mỗi ngày
Quê hương là đường quan lộ
Quan cần rợp bóng dù ô

Quê hương là con tàu lớn (1)
Vẽ voi (2) quan cứ tha hồ
Quê hương là ngồi chỗ "mát"
Êm đềm xơi bát vàng thôi


 
Quê hương là đường nho nhỏ
Nhưng mà biệt thự thật to
Là nơi có (những) cô vợ nhỏ
Quan to "say giấc" ngủ khò


 
Quê hương là săm sô nai nhỏ
Nhưng mà "dự ớn" thật to
Hiệu quả ? Ôi thôi, rất nhỏ!
Quan ghiền thất thoát thật to !


 
Quê hương là bàn tay vợ
"Nhọc nhằn" đếm miết vàng, đô
Tích lũy lâu ngày chày tháng
Đã lên con số khổng lồ

Quê hương là vàng "mười sáu"  (3)
Là màu hồng "bốn tốt" (thích) mê tơi
Là đỏ tươi cờ hai nước
Sao vàng sáng chói "răng môi"


 
Quê hương dù ai cũng có
"Bên kia biên giới là nhà" (4)
Quê hương bên này cũng vậy
Phân chia ni nớ lôi thôi ?


 
Quê hương cho dù khác biệt
Như là tiếng nói riêng thôi
Quê hương quan đâu có nhớ?
Bởi quan đâu muốn là người !

???

Hic!




-----------

* Họa theo bài thơ QUÊ HƯƠNG - của ĐTQ

(1) Lớn cỡ ...titanic Vinashin.
(2) Đề án, dự án cỡ ...tỉ tỉ trở lên . VD : đề án 112, đề án tranh cãi 70 tỉ ...
(3) 16 chữ vàng ... dẽo nẹo mà ai cũng biết :D
(4) Trích trong 2 câu thơ :

 - Bên kia biên giới là nhà
   Bên đây biên giới cũng là quê hương .


Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

LỊCH SỬ KHÔNG CÓ CHỮ NẾU ...

                    Thạc Sĩ HOÀNG VIỆT (nguồn BBC).


 

GS Carlyle A. Thayer và Thạc sĩ Hoàng Việt tại Hội nghị quốc tế về Biển Đông. Ảnh: Mai Kỳ

Nhà cháu mới đọc bài: The South China Sea: Chinese Hegemony or Peaceful Settlement?  của GS Carlyle A. Thayer viết từ hôm 10/6/ 2011.Thấy có phần cuối HAY quá, các bác đọc chưa nhỉ?   (Blog Gốc Sậy)

If you were a Vietnamese, what would you do now?
- Nếu là một người Việt Nam ông sẽ làm gì lúc này?

ANSWER: If I were a Vietnamese citizen I would want to express my concern to the government about the threat to national sovereignty posed by Chinese actions.

Nếu là một người Việt Nam tôi sẽ bày tỏ sự lo ngại với chính phủ Việt Nam về nguy cơ về chủ quyền quốc gia do hành vi của Trung Quốc gây ra.

I would want my government to provide reassurance that it has a strategy to defend Vietnam’s sovereignty and to gain the sympathy and support of the world community.

Tôi muốn chính phủ đưa ra bảo đảm rằng họ đã có một chiến lược bảo vệ chủ quyền của Việt Nam và nhận được sự đồng tình và ủng hộ của cộng đồng thế giới.

I would like to see the Prime Minister, Foreign Minister and Defence Minister give public speeches in the major cities outlining their views. These should be broadcast on television and radio and printed in the media.

Tôi muốn thấy Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng có các bài phát biểu công khai về quan điểm của họ tại các thành phố lớn. Những bài phát biểu ấy cần được phát trên các đài phát thanh, truyền hình và in trên báo chí.

As a Vietnamese citizen I would keep myself as fully informed on developments in the South China Sea by reading as much as possible. I would want my government to provide information. Because this is a complex issue I would want to know the pros and cons of various policy options.

Nếu là một công dân Việt Nam tôi sẽ luôn tự giác nắm bắt đầy đủ thông tin về các diễn biến trên biển Đông và cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. Tôi muốn chính phủ tôi cung cấp thông tin. Bởi vì đây là một vấn đề phức tạp, tôi muốn biết mặt lợi và mặt bất lợi của các chọn lựa chính sách.

If I were a student, I would want my lecturers to discuss this issue. I would like to know the views of leading Vietnamese and foreign scholars.

Nếu tôi là một sinh viên tôi sẽ muốn các thầy cô cho thảo luận vấn đề này. Tôi muốn biết quan điểm của các học giả hàng đầu của Việt Nam và nước ngoài.

If I had friends overseas I would want to exchange views with them. Above all I would want to know what is motivating China and how a peaceful resolution to this issue can be achieved.

Nếu có bạn bè ở nước ngoài tôi sẽ trao đổi quan điểm với họ. Quan trọng hơn, tôi muốn biết động cơ thực sự của Trung Quốc và làm thế nào để có thể đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề này .

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Không muốn tin đâu, nhưng mà ... ?

( Hình PHHS xếp hàng suốt ngày-đêm để chờ xin cho con vào học trường mầm non )



Đọc vài mẫu tin liên quan đến việc tụi nhỏ đi học mà lòng mình cứ nghe bồn chồn, nửa tin nửa ngờ...chuyện này cũng khá ...kỳ cục (khó coi), nhưng do chính cụ bà Lê Hiền Đức - cụ nổi tiếng là cụ già chống tham nhũng tích cực ở nước mình - cụ đã đưa lên trang dân báo, nên cũng chẳng biết sao ? Hic! lẽ nào người có chút trí thức, công việc lao động trí óc cũng dễ kiếm đồng tiền chính đáng, sao lại chọn làm những chuyện nhỏ nhen thế chứ ...
Nhỡ ra thì ... thật dở dói thế nào ấy ... Hic!

http://danlambaovn.blogspot.com/2011/07/giao-duc-nhin-tu-vu-ta-thi-bich-ngoc.html#more

QUÊ HƯƠNG *

Quê hương là gì con hỏi
Mà sao đắng ngắt trên môi
Quê hương là gì con hỏi
Ai xa quê chỉ muốn đổi đời !


Quê hương là tiền con học
Sao cô xà xẻo mỗi ngày
Quê hương mầm non xin học
Cả nhà chờ xếp hàng thay


Quê hương là con học miết
Tuổi thơ không có mùa hè
Quê hương học con phải cố
Không còn nhí nhố rong chơi


Quê hương là đầy lô cốt
Mẹ về trưa nắng thương ôi
Là hơi nóng cùng gió bụi
Chen qua những phố đầy người


Quê hương dù đêm vẫn khổ
Âm thanh đủ thứ càng nhiều
Tiếng máy xe bao nhiêu loại
Ồn ào tra tấn không nguôi


Quê hương là bàn tay mẹ
Rã rời sau buổi tăng ca
Bát cơm nhọc nhằn công mẹ
Con nhìn nước mắt tuôn rơi


Quê hương là vàng nắng mới
Là hồng lãng mạn yêu thương
Là đỏ tươi màu ước vọng
Màu xanh lá mướt non tươi


Quê hương mình còn lận đận
Vừa khi mẹ bước vào đời
Cha ra xứ người lao động
Ngày con chưa dứt thôi nôi


Quê hương ngày mai sẽ khác
Tự hào trang sử thắm tươi
Con ngoan học hành chăm chỉ
Lớn lên yêu nước thương người


* * *


* - Họa theo bài QUÊ HƯƠNG
của tác giả ĐỖ TRUNG QUÂN


Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

SỐNG CHẾT MẶC BAY .


Thấy buồn, post lại một bài văn cũ trên báo Nam Phong tạp chí xưa.... 

* * *


SỐNG CHẾT MẶC BAY.

Phạm Duy Tốn



                                                                                                                       

Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng XXX. thuộc phủ XXX. xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.

Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật là thảm.

Tuy trống đánh liên thanh, ốc thổi vô hồi, tiếng người xao xác gọi nhau sang hộ (1), nhưng xem chừng ai ai cũng mệt lử cả rồi. Ấy vậy mà trên trời thời vẫn mưa tầm tã trút xuống, dưới sông thời nước cứ cuồn cuộn bốc lên. Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất.

Ấy, lũ con dân đang chân lấm tay bùn, trăm lo nghìn sợ, đem thân hèn yếu mà đối với sức mưa to nước lớn, để bảo thủ lấy tính mạng gia tài, thế thời nào quan cha mẹ ở đâu?

Thưa rằng: Đang ở trong đình kia, cách đó chừng bốn năm trăm thước. Đình ấy cũng ở trên mặt đê, nhưng cao mà vững chãi, dẫu nước to thế nữa, cũng không việc gì.

Trong đình, đèn thắp sáng trưng; nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập, mới kê ở gian giữa, có một người quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi. Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ đứng bên, cầm cái quạt lông, chốc chốc sẽ phẩy. Tên nữa đứng khoanh tay, chực hầu điếu đóm. Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút, tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu (2), rễ tía, hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông (3) trông mà thích mắt. Chung quanh sập, bắc bốn ghế mây, bắt đầu từ phía hữu quan thì có thầy đề, rồi lần lượt đến thầy đội nhất, thầy thông nhì, sau hết giáp phía tay tả ngài, thì đến chánh tổng sở tại cùng ngồi hầu bài.

Ngoài kia, tuy mưa gió ầm ầm, dân phu rối rít, nhưng trong này xem chừng tĩnh mịch nghiêm trang lắm: trừ quan phụ mẫu ra, mọi người không ai dám to tiếng. So với cái cảnh trăm họ đang vất vả lấm láp, gội gió tắm mưa, như đàn sâu lũ kiến ở trên đê, thời ở trong đình rất là nhàn nhã, đường bệ, nguy nga: nào quan ngồi trên, nào nha ngồi dưới, người nhà, lính lệ khoanh tay sắp hàng, nghi vệ tôn nghiêm, như thần như thánh. Thỉnh thoảng nghe tiếng quan phụ mẫu gọi: “Điếu, mày”; tiếng tên lính thưa: “Dạ”; tiếng thầy đề hỏi: “Bẩm, bốc (4)”; tiếng quan lớn truyền: “Ừ”. Kẻ này: “Bát sách! (5) Ăn”. Người kia: “Thất văn… Phỗng”, lúc mau, lúc khoan, ung dung êm ái, khi cười, khi nói vui vẻ dịu dàng. Thật là tôn kính, xứng đáng với một vì phúc tinh.

Ấy đó, quan phụ mẫu cùng với nha lại đương vui cuộc tổ tôm ở trong đình ấy. Ngài mà còn dở ván bài, hoặc chưa hết hội thì dầu trời long đất lở, đê vỡ dân trôi, ngài cũng thây kệ.

Ôi! Trăm hai mươi lá bài đen đỏ, có cái ma lực gì mà run rủi cho quan mê được như thế?… Này, này đê vỡ mặc đê, nước sông dù nguy, không bằng nước bài cao thấp. Đứng trên đê mà đốc kẻ cắm cừ, người đổ đất, lắm nỗi lầm than, sao bằng ngồi trong đình, đã sẵn kẻ bốc nọc người chia bài, nhiều đường thú vị.

Than ôi! Cứ như cái cách quan ngồi ung dung như vậy, mà hai bên tả hữu, nha lại nghiêm trang, lính hầu rầm rập, thì đố ai dám bảo rằng: gần đó có sự nguy hiểm to, sắp sinh ra một cảnh nghìn sầu muôn thảm, trừ những kẻ lòng lang dạ thú, còn ai nghĩ đến, mà chẳng động tâm, thương xót đồng bào huyết mạch!…

Mặc! Dân, chẳng dân thời chớ! Con bài ngon há nỡ bỏ hoài ru! Quan lớn ngài ăn, ngài đánh; người hầu kẻ dạ, kẻ vâng. Sướng bao nhiêu, thích bao nhiêu! Lúc quan hạ, bài ù, ai ai là người chẳng ngợi khen tấm tắc! Một nước bài cao, bằng mấy mươi đê lở, ruộng ngập! Vậy mà không hiểu thời thật là phàm!

Quan lớn ù thông. Người đầu cánh kẻ cuối tay, tranh nhau phô bài để quan lớn rõ, rằng: “Mình vào được nhưng không dám cố ăn kìm!”. Rằng: “Mình có đôi, mà không dám phỗng qua mặt!”. Hèn chi mà quan chẳng ù luôn! Quan ù, ấy là hạnh phúc!…

Khi đó, ván bài quan đã chờ rồi. Ngài xơi bát yến vừa xong, ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi, mắt đang mải trông đĩa nọc, bỗng nghe ngoài xa, tiếng kêu vang trời dậy đất. Mọi người đều giật nảy mình, duy quan vẫn điềm nhiên, chỉ lăm le chực người ta bốc trúng quân mình chờ mà hạ. Vì ngài sắp ù to.

Có người khẽ nói:

- Bẩm, dễ có khi đê vỡ!

Ngài cau mặt, gắt rằng:

- Mặc kệ!

Rồi ngồi xếp bài lại, quay gối dựa sang bên tay phải, nghiêng mình bảo thầy đề lại:

- Có ăn không thì bốc chứ!

Thầy đề vội vàng:

- Dạ, bẩm, bốc.

Vừa lúc đó thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe càng lớn. Lại có tiếng ào ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.

Bấy giờ ai nấy ở trong đình, đều nôn nao sợ hãi. Thốt nhiên một người nhà quê, mình mẩy lấm láp, quần áo ướt đầm, tất tả chạy xông vào thở không ra lời:

- Bẩm… quan lớn… đê vỡ mất rồi!

Quan lớn đỏ mặt tía tai, quay ra quát rằng:

- Đê vỡ rồi!… Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không?… Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?

- Dạ, bẩm…

- Đuổi cổ nó ra!

Ngài quay mặt vào, lại hỏi thầy đề:

- Thầy bốc quân gì thế?

- Dạ, bẩm, con chưa bốc.

- Thì bốc đi chứ!

Thầy đề tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc (6), rút ra một con bài, lật ngửa, xướng rằng:

- Chi chi!

Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:

- Đây rồi!… Thế chứ lại!

Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói:

- Ù! Thông tôm (7), chi chi này!…
- Điếu, mày!


*

* *

Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!

Tạp chí Nam Phong,
số 18, tháng 12 – 1918

-------------------------------------------------

Ghi chú:

1 - Sang giúp.
2 - Cau khô mà hạt còn dính
3 - Tăm xỉa răng

4 - BỐC là bắt quân bài từ đĩa nọc,
CHỜ : Bài đã đủ chỉ đợi bắt, bắt đừng cho thành pho,
Hạ : Ðặt bài xuống chiếu.
Ù : thắng.
PHỖNG : bắt một quân bài vào cặp đôi có sẵn

5 - Tên quân bài
6 - Ðĩa để quân bài còn lại, sẽ rút lần lượt
7 - Ù to hơn ù thường




MỘT NGÀY PHẢI KHÁC MỌI NGÀY

MỘT NGÀY PHẢI KHÁC MỌI NGÀY

Thơ Bùi Chí Vinh.

Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Sóng truyền hình phủ toàn phim Trung Quốc
Từ HTV, VTV, BTV, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… cho đến “cáp”
Hết “Triều Đại Mãn Thanh” đến “Đại Tống Truyền Kỳ”

Chào một ngày giống hệt mọi ngày
Đọc báo thấy cha ông mất hút
Thấy thiên hạ quỳ mọp dưới tượng đài Binh Pháp Mặc Công, Ngọa Hổ Tàng Long, Họa Bì, Xích Bích…
Con nít thuộc lòng Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Diệp Vấn, Diệp tùm lum hơn thuộc sử Tiên Rồng

Chào một ngày đất nước tự lưu vong
Cội rễ văn hiến 4000 năm trốc gốc
Tuổi teen gối đầu giường Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca lạ hoắc
Pano giăng khắp nơi hình ảnh Củng Lợi, Chương Tử Di, Thành Long phơi phới toét miệng cười

Chào một ngày phát triển giống đười ươi
Đi trên xã tắc thấy người thua xa khỉ
Thấy lô cốt ngáng đường, thấy nước ngập tận mông, thấy thánh hiền sợ quỷ
Thấy truyền thống chống ngoại xâm co rúm lại vì… tiền

Chào một ngày vong bản vì… hèn
Sống chết mặc bây, túi thầy vô cảm
Ải Nam Quan nằm ngoài ranh giới Việt Nam, xưa rồi Diễm…
Nước mắt Nguyễn Trãi khóc Nguyễn Phi Khanh rơi ở tận… nước Tàu

Chào một ngày bãi biển hóa nương dâu
Thác Bản Giốc rời Cao Bằng như có cánh
Thắng cảnh để lại của tiền nhân bị cháu con ghẻ lạnh
Các di tích, kỳ quan cứ mất tích đều đều

Chào một ngày hình chữ S tong teo
Tài nguyên bôxit bị bới đào như… bọ xít
Nhôm và đô la chẳng thấy đâu, chỉ thấy đất Tây Nguyên rên xiết
Ô nhiễm mạch ngầm, nước sông làm nghẹt thở Chín Con Rồng.

Chào một ngày long mạch bị xới tung
Máu bầm đất đỏ bazan, máu tràn ra hải đảo
Ai cho phép Hoàng Sa Trường Sa thành Tam Sa lếu láo
Tội nghiệp rừng cọc nhọn của Hưng Đạo Đại Vương trên sóng Bạch Đằng

Chào một ngày giống hệt cõi âm
Những xác chết anh hùng bật dậy
Máu trả máu, đầu trả đầu. Nhớ đấy
Mãi quốc cầu vinh tất quả báo nhãn tiền

Chào một ngày soi rõ mặt anh em!

21 – 4 – 2009