++ ++ THÂN MẾN CHÀO CÁC BẠN ++ ++

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

Núi đè

 



Nỗi khổ của dân tộc mình nó lớn như một quả núi.
 
Đó là lời của nhà văn Phan Nhật Nam mà tôi đã được nghe trong câu chuyện ông kể, khi gặp ông một cách hết sức tình cờ tại nhà anh bạn vào tối hôm trước.

Ông Phan Nhật Nam tốt nghiệp trường sĩ quan võ bị Đà Lạt. Phục vụ trong Quân lực VNCH thuộc binh chủng Nhảy dù.
 
Đại úy Phan Nhật Nam cũng là một người bình thường như bao sĩ quan, lính tráng đã từng phục vụ cho chế độ miền Nam trước đây.
Nhưng nhiều người biết đến ông trong vai trò một nhà văn.
 
Tác phẩm đầu tay của ông "Dấu binh lửa" được xuất bản năm 1969. Liên tục những năm tiếp theo, trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến Bắc-Nam. Ông cho ra đời những tác phẩm như: "Ải trần gian", "Dọc đường số Một", "Dựa lưng nỗi chết", "Mùa hè đỏ lửa"... đó cũng là lý do nhiều người biết đến ông, nhà văn Phan Nhật Nam, một người lính, một chứng nhân sống động kể về cuộc chiến tang thương tàn khốc của dân tộc Việt.

Trong những câu chuyện thú vị ông kể cho chúng tôi nghe trong buổi gặp gỡ tối hôm đó. Ông nói về chuyện đời, chuyện người và chuyện mình. Những sự kiện éo le mà ông đã gặp. Không một lời trách móc, không một chút nuối tiếc. Ở cái tuổi "thất thập cổ lại hy", ông kiến giải mọi chuyện theo nhãn quan như mọi chuyện đều sắp đặt của số phận, dưới sự an bài của Thượng Đế.

Ngày 29/4. Ngày tàn cuối cùng của cuộc chiến. Mặc dù nằm trong bộ phận liên lạc và sắp xếp cho những người được phép di tản ở sân bay Tân Sơn Nhất nhưng ông lại không nghĩ đến việc đưa gia đình vợ con ra đi khi được người đồng sự nhắc nhở: "your turn".Gia đình ông bị kẹt lại và sau này vợ và con ông phải vượt biên theo ngả Campuchia bằng đường bộ.

Ông kể về những lần đi công vụ nhận và trao trả tù binh. Từ TNS John Mc Cain bây giờ, đến cựu Đại sứ Peterson hồi trước, và hàng ngàn người lính khác nhau ở hai bờ chiến tuyến đã được ông nhận lãnh và trao trả ở Lộc Ninh, ở Cà Mau hay ra tận Nội Bài.

Cụ thân sinh của ông làm ở phòng Nhì- Sở Mật thám của Pháp và đi theo Việt Minh. Sau hòa bình ở miền Bắc thì không còn được tin dùng.
 
Có lần ông cùng phái đoàn quân đội miền Nam đi Hà Nội và đã bị phái đoàn quân đội Bắc Việt dùng hình ảnh ba của ông để chiêu dụ ông quy hàng.
 
Ông kể rằng sau sự kiện đó. Sau khi về lại Sài Gòn, ông bị nhận hình phạt làm lính không lon trong suốt 60 ngày. Cha con không gặp được nhau trong quãng thời gian dài đằng đẵng cho đến khi 1985 cụ thân sinh phải vất vả từ Sài Gòn lặn lội ra Thanh Hóa tìm thăm.

14 năm nếm mùi lao tù. Trong đó có 7 năm biệt giam, bị cùm tay - chân và nhốt trong hầm kín vì tác phẩm "Tù nhân và hòa bình" (in năm 1974) của ông được giải thưởng văn học ở hải ngoại.

Năm 1989 ông được phóng thích nhưng vẫn bị quản chế ở Bình Dương. Sống trong một căn nhà tranh vuông vức với tấm nền là 360 miếng gạch tàu do bạn bè giúp đỡ góp tiền. Ông cho rằng đây là quãng đời hạnh phúc  khi được sống giữa tình bằng hữu.

Làm một người lính chiến, nhưng chữ nghĩa nó vận vào người mà buộc mình phải viết ra sự thật. Cái nợ văn chương nó vậy. Ông nói.

Mang tinh thần cảm khái của một người lính Nhảy dù. Với tâm niệm viết ra cho tận cùng sự thật những gì mình chứng kiến.
 
Nhà văn Phan Nhật Nam khi mới ra định cư ở hải ngoại năm 1993 đã bị không ít nhóm người trong cộng đồng chụp cái mũ "cộng sản" từ Úc châu, đến Âu châu, qua Mỹ quốc.
 
Buồn tình, tôi qua ở hẳn bên Minnesota. Ông kể lại những chuyện đó. Và ông cười.

Sau một cuộc đại phẫu, vì lý do sức khỏe ông chuyển về vùng Nam California sống giữa bạn bè từ năm 2006.

Miên man theo những câu chuyện của một con người có nhiều trải nghiệm thăng trầm trong đời sống. Tôi nhận thấy ở trong ông có trái tim nhiều thương cảm của một nhà văn. Có một câu chuyện ông kể làm chúng tôi xúc động.

Trong quãng thời gian khi bị quản thúc ở Bình Dương, ông gặp một đôi vợ chồng bị thương tật. Vợ cụt hai tay, chồng bị mù cùng dắt díu 2 đứa con lội bộ từ Lộc Ninh về Bình Dương khi trời đang sẫm tối.
 
Ông hỏi anh chị đi đâu? Thì được nghe trả lời là tính đi bộ về Tây Ninh vì nghe đâu dưới đó có Chùa đang phát chẩn.
Ông bảo: Thôi, lên xe ông chở ra bến xe An Sương.
Rồi ông cho tiền để đón xe đò.
Nếu đi bộ thì biết khi nào mới đến được?
 
Ông chở người vợ và 2 đứa con đi trước.
 
Dặn dò anh chồng mù ngồi yên, đừng đi đâu chờ ông quay lại.
 
Trên xe, chị vợ kể chị là chiến sĩ diệt Mỹ.
 
Đã từng đi hội nghị ở Cuba.
 
Trong một trận đánh chị ném lựu đạn bị thương cụt tay. Vào bệnh viện gặp anh chồng cũng là thương bệnh binh nên được kết hợp yêu nhau để tiện sau này cùng nhau chăm sóc.

Khi ông quay lại để đón anh chồng mù thì ông lại được nghe tâm sự.
Lúc ngồi chờ ở đây em mong là bác đừng quay lại. Và cũng muốn cho con vợ nó bỏ đi luôn. Vì đời em mà nó khổ quá nhiều rồi...

Ông nghẹn ngào khi lập lại lời bộc bạch của người chồng mù. Không giấu được xúc động. Đưa tay lên khóe mắt.
 
Rồi ông nói lớn:

Nỗi khổ của dân tộc mình nó lớn như một quả núi!

Nỗi khổ của dân tộc mình nó lớn như một quả núi. Câu nói của nhà văn Phan Nhật Nam khiến cho tôi cứ bị ám ảnh hoài.
 

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

Bản tự kiểm "chấp nhận đau đớn" . Hic!




Đọc được bài thơ của tác giả Gia Hiền trên mạng, mới biết sao ai đọc rồi cũng kêu buồn quá, buồn quá ! Thì ra, nó chỉ mới là một nửa của cái bánh mì, phải còn cái nửa kia nó ở đâu đó chớ, nó phải ngon hơn cái nửa này , thì mới có thể làm cho tác giả phải ... cúi đầu (?)
Cái nửa đó là
hiện thực khách quan ... là "cái bộ phận không nhỏ"
, chứ còn ai trồng khoai đất này ???

Nhân vật "anh bạn" của nhà văn TL cho rằng thế hệ của anh ấy (F2)là
"một hế hệ nhân nhượng" - thế hệ anh ấy nhân nhượng cả cái ác, cho nên thế hệ sau anh ấy (F3) phải chịu di lụy là một "thế hệ cúi đầu".

Vậy thế hệ F1, F2 là thế hệ nào vậy ?
THẾ HỆ TÔI, MỘT THẾ HỆ NÀO VẬY ?
???


THẾ HỆ TÔI, MỘT THẾ HỆ CHƯ HẦU




Thế hệ tôi , một thế hệ chư hầu
Cúi đầu trước cường quyền , cúi đầu dưới mông ngoại chủng .
Cúi đầu trước kẻ cướp nước, giết dân, cúi đầu thật nhục nhã ...
Chỉ dám ngẩng đầu trước thần dân
... Vì
... Luôn luôn
... Cứ phải đóng trò hoàng đế ở truồng

Thế hệ tôi, quyền chức, bạc vàng, biệt thự, đô la, níu thân sát đất
Cuộc sống lươn lẹo, tranh đua đấu đá lia chia
Tay bẩn thỉu níu bám chặt như vòi bạch tuộc
Bàn chân mình tự đạp nát lương tri, chôn vùi nhân bản
Thế hệ tôi, nhơi quá nhiều di sản lai căng
Núp bóng độc lập, tự do, khoác áo hào quang lý tưởng
Cũng chỉ vì mình, đâu phải vì nước, vì dân ?
Những lý thuyết cặn bã, giảng "mô - ran" mộng du, hoang tưởng...

Thế hệ tôi, đúng và sai luôn đảo lộn quay cuồng
Sáng đúng, chiều sai, rồi sáng mai lại đúng ...
Sự thật dấu tiệt vào trong, giả dối bày ra nơi sáng nhất
"Thép đã tôi thế đấy" * vô địch muôn năm, bỗng chốc lụi tàn
"Sống sao cho khỏi sống hoài sống phí " **, chỉ là giấc mơ tan
Chợt còn lại hoảng hốt, vô vọng, rồi dấu che, và bưng bít

Cho "lên bờ xuống ruộng" bậc trung thần can đảm khuyên can
Bỏ tù người khác quan điểm chính kiến, dù thật thà trong sáng
"Bao cao su đã qua sử dụng", "lợi dụng dân chủ tự do",
"Chống người thi hành công vụ " ... 
Tội danh không xác định thì phịa ra, dù bỉ ổi
Cứ vu khống, bôi bác, chụp mũ, đánh hội đồng, nhốt rũ tù

Lập những "phiên tòa xét xử kangouru" 

Nào luật sư, bác sĩ, linh mục, mục sư, và hòa thượng
Áp tội mơ hồ nặng nhất : xâm phạm an ninh quốc gia
Nhiều tướng tá, nguyên, cựu công thần bức xúc đứng ra
Lời ngay phân giải, gián can, mong tinh thần cầu thị ...
Những kẻ có lòng gửi bao đơn kiến nghị
Vẫn lặng lẽ chìm xuồng như nước chảy về đâu ?...

Bao người khiếu kiện tìm công lý, vẫn số không to tướng
Phá tan những tốt đẹp rất dễ , xây dựng thật, mới biết là gian khổ
Nếu cứ thử cho chúng tôi thêm một nghìn ngày khác
Cũng chẳng làm được gì, 
"Năng lực có hạn, thủ đoạn vô biên " có khác chi đâu?

Thế hệ tôi, vịt vờ vẻ u mê lú lẫn, viễn tưởng đâu đâu
Rất huênh hoang tự hào vì những điều huyễn hoặc
Tự dối mình, và luôn đánh lừa người khác
Về những niềm tin mà chính mình cũng chẳng thể tin,
Cả bộ sậu dóc tổ bán trời không văn tự, hỏi còn có ai tin ... ?
Đổ vỡ niềm tin, tranh đua nhau "hưởng phước"
Chúng tôi truy hoan cả với lũ trẻ đáng tuổi con, tuổi cháu,
Cưỡng đoạt mua dâm còn "bán cái" mấy đứa học trò mình ...
Biến nạn nhân thành phạm nhân tội môi giới bán dâm
"Gạ đổi tình lấy điểm", thói tệ học thiệt mau, giỏi thay cán bộ !
Khoan cười chúng tôi, " Kính thưa các đồng chí chưa bị lộ ! "
Vung tiền bao gái đẹp, mua người mẫu, cặp siêu sao
Chỉ có mấy nghìn đô cho vài giờ vui vẻ qua mau
Cỡ triệu đô cho một lần cược đá banh, chung độ,
Vui bạc bài, nhậu sàm sở gái tắm bia nuy như nhộng...
Vài chục tỷ chung bạc bài nơi tỉnh nhỏ, chuyện bình thường ...

Quan hệ ngoại giao là văng mạng chém gió.
Văn hóa tinh thần là đủ thứ đồ chơi, có đệ tử sưu tầm líp ba ga
Thế hệ tôi, U - sáu bảy bó coi như hết đát, quá già,
Vẫn xun xoe, mê quyền lực đâu biết cuộc đời sắp hết
Đã có ghế ngồi, vẫn mánh mung leo miết
Mối lo hàng ngày bạc tiền vơ vét phải tăng theo cấp số nhân ...

Thứ rẽ nhất bây giờ đâu có phải NIỀM TIN ?
Thứ đắt nhất, không còn là LỜI HỨA
Sự ti tiện đớn hèn đổi được bảo kê thần thế
Há sợ gì không móc ngoặc, thu tóm, lật kèo nhau ?
" Cá lớn nuốt cá bé", "sống chết mặc bây", túi tham không đáy
Ta cứ phát huy :" Ăn như khi chưa ăn lần nào" ....  
Tôi, có phải tôi là đại diện cho cả thế hệ của mình ???
Thế hệ lên đời, lót đường bằng thân xác trăm vạn kiếp nhân sinh 
Một thế hệ mặt mốc đen sì, sắt máu
Hô hào đấu tranh giai cấp : dứt khoát không khoan nhượng,
Nói chuyên chính : nhưng tim đen chẳng chính chuyên

Hăm hở lên gân, phấn khích như cuồng điên
U mê với khẩu hiệu
"vô sản anh em đoàn kết lại ",  
Theo làn sóng đỏ hung tàn gieo gió tanh mưa máu
Giương ngọn cờ đầu cách mạng giải phóng cho nhân dân,
Cuốn hút người Việt lầm than rơi vào
cỗ máy xay thịt sống ... 
Ôi những người dân vô tội oan khiên, chết phơi thây bờ bụi,
Chết hố chết hầm, sống nay chết mai
Chết run rẫy, trợn trừng, không cam tâm nhắm mắt,
Nào những "đại lộ kinh hoàng", những " Bạch Đằng trên cạn" ...
Anh hùng gì ? Vinh quang gì đổi bởi " vạn cốt khô " ?
Họ là những ai ? Dân nam cũng đầu đen máu đỏ !
Cũng da vàng, là đồng bào chung dòng giống Văn Lang...

Những ngỡ có hòa bình mong đợi, cùng vui mừng, hồ hỡi hân hoan...
Mẹ gặp con, vợ đón chồng, mắt cay chưa ráo lệ,
Họ đâu biết còn chịu lắm tủi buồn, ai nỡ gieo bao tai ương ly tán... ?

Thế hệ tôi, quá kiêu căng, luôn sắt máu và
dư thừa tự mãn
Mặc trời sầu, đất thảm, đời tuôn mưa nước mắt chứa chan !
Mặc muôn triệu lương dân đang vật vả kêu than ...
Bao phận người "tù không tội" đếm từng ngày nghiệt ngã !
 

Chẳng thấy có nơi đâu như ở đất này ...
Người tàn nhẫn với người, ôi bao xiết đắng cay !

Kẻ phải chịu trách nhiệm thật dễ dàng phủi tay vô trách nhiệm ...
Mặc kệ đời , MACKENO, chỉ biết ta và con ông cháu cha ...
 
Con vua lại làm vua, con sãi mãi giữ chùa ... 

Nhân điển hình "Cú đấm thép", toàn dân rụng rời, interpol pó chiếu ! 
Thanh niên giúp đời làm từ thiện, bắt nóng, bắt nguội, canh me ... 
Dán nhãn phản động, giam nhốt, điều tra, không giới hạn
Bao cha mẹ đau đớn xa con, tâm sầu bệnh phát
Sinh ký, tử quy, mòn mỏi trông con phút chia cắt ngậm ngùi
Giờ vĩnh biệt trút tàn hơi, chỉ có người dưng đùm bọc

Ôi mặt trái cuộc đời, sao quá lạnh lùng, tàn độc
Đạo đức không thể hãm phanh, cứ trên đà tuột dốc ...

Ai "ăn" được cứ ăn, xã hội lan tràn cướp, giết, hiếp ...
Định hướng lách luồn, nắm trọn hơn bảy trăm cơ quan báo đài
Lá cải hóa : secxy show, lộ hàng, thần tượng ảo : mại dzô !
Thêm nhà báo beo vồ,
Chuyên gia tung hỏa mù kịch độc!
Đớp ngoạm đểu : xoáy 3 kỳ "cần bỏ tù" một công dân yêu nước *
Chữ nghĩa chợ trời, lưu manh giả danh trí thức
Xỏ lá người thầy : "nhà giáo dục trong bô" ,
"phản biện ăn tiền" 
Giải độc Ecopark, như gió, "gái beo", tung hợp chưởng "thần kinh chính trị"

Mặc vận nước ngã nghiêng như con thuyền trong bão lớn,
Như chiếc bách giữa dòng, trôi nổi điêu linh ...
Biển đảo cha ông, mặc kẻ cướp tung hoành, nghẹn uất hờn đòi đoạn
"Mãi mãi niềm đau vô tận của sơn hà" * ....  

Và thế hệ tôi đại diện cho những điều khốn nạn nhất !
Vỗ béo cường quyền, tăng bạo lực, dựa
"lá chắn, thanh gươm" 
Khủng bố người yêu nước tỏ bày, bắt phải luôn "sống trong sợ hãi" 
Bằng thủ đoạn tinh vi, bằng công an, nhà tù, tòa án ...

Mượn quy hoạch, dự án, đẩy dân oan mất đất, mất nhà, khắp nơi ai oán ...
Mục tiêu "ổn định" nhưng có biết bao 
công an nhân dân đánh chết nhân dân ... ??? 
Được bảo kê, xã hội đen thành nhóm quần chúng tự phát 
Diễn lắm trò nhố nhăng, bẩn dơ, không thể tưởng
Chẳng quan tâm bao
thế hệ nhân nhượng, cúi đầu ... 

Đời luôn thay đổi, sao bắt mọi người chẳng đổi thay?
Thế giới ngày càng văn minh, sao nước ta đứng lại ?
"Cái nước mình nó thế", không chịu tiến bộ tức đã lùi ...

Trăm năm sau, ngàn vạn năm sau, lịch sử còn ghi mãi ...
Có một thế hệ nhục nhã ươn hèn, cam tâm bán nước ...
Dẫy đầy tội ác và điếm đàng phản bội nhân dân ...


Ôi ! khẩu hiệu của chúng tôi
: " Đổi mới hay là chết ?" 
Tìm lại cuộc đời, hay mãi mãi nhơ danh ?
Đời mỗi người ai chẳng một lần phải chết ?
Lẽ đâu ta để đời ta phải chết những bao lần ?
Nợ gì của nhân dân, hãy trả lại cho nhân dân !


 ???

----
 

Notes :
 
* Cần bỏ tù Nguyễn Xuân Diện kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3 - kỳ quan trọng nhất (beo blog -TBT báo TT-VH)
- "Thép đã tôi thế đấy" ( Nhi -cô - lai A-xtơ Rốp - xki) : chỉ
"lý tưởng CSCN"
-" Đời ta chỉ sống có 1 lần, phải sống sao cho khỏi sống hoài sống phí, không phải hỗ thẹn vì dĩ vãng ti tiện hèn đớn của mình ....
blah ...blah ..." (Pa - ven Cóoc - sa - ghin)