++ ++ THÂN MẾN CHÀO CÁC BẠN ++ ++

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2013

Tin nổi không ? TTGDTX TB : Scandal dồn dập ? Hic!

Giám thị “gạ tình lấy điểm”: Loại bỏ “con sâu” bệnh hoạn!

Tháng Tư 28, 2013

Hòa An
ga-tinh-2.jpg 

Đọc những dòng tin nhắn ông T.T.B gửi cho các nữ sinh, mới thấy sự bệnh hoạn của một con quỷ đội lốt thầy giáo.


Thuở nhỏ, tôi cũng như nhiều bạn cùng lứa, luôn ao ước sau này lớn lên được làm cô giáo. Hình ảnh người thầy, người cô trong mỗi đứa trẻ luôn sáng lung linh. Dù giờ đây không thực hiện được ước mơ thuở bé, nhưng những kỷ niệm về thầy cô luôn là động lực thôi thúc chúng tôi sống tốt.

Tôi còn nhớ mãi hình ảnh mẹ tôi lọc cọc chiếc xe đạp cà tàng, chở tôi đi hàng chục cây số để xem điểm thi vào lớp 5 trường chuyên của huyện. Xem điểm xong, hai mẹ con tôi chưa kịp mừng thì nỗi lo ập đến vì làm sao tôi có thể học được ở đây khi nhà quá xa, không thể ngày nào cũng đi học bằng xe đạp. Còn trọ học là điều khá xa xỉ đối với tôi thời bấy giờ, một phần vì điều kiện gia đình, một phần vì thời đó tìm được một nơi trọ thật không dễ dàng.

Hai mẹ con đang tần ngần thì có một phụ nữ trạc tuổi mẹ tôi lại gần và giới thiệu là cô giáo của trường, muốn được giúp đỡ hai mẹ con tôi. Mẹ tôi ngần ngại vì sợ làm phiền cô giáo, còn tôi lúc ấy mừng lắm. Không biết hai người nói gì với nhau, nhưng cuối cùng tôi đã được học ở ngôi trường mà mình hằng mơ ước.

Ở trọ nhà cô giáo, tôi thấy mình may mắn vì được cô thương yêu, dạy dỗ như những người con của cô. Thời bé tôi còn mải chơi, không nhớ hết những kỷ niệm về cô, nhưng với mẹ tôi, mỗi khi nhắc đến ngày ấy, bà vẫn còn rưng rưng. Bà kể, thời ấy trẻ con không có nhiều quần áo, mỗi anh em tôi chỉ có một cái áo len để chống rét. Hôm tôi đi trọ học, mẹ để nhầm áo len của đứa em vào túi quần áo của tôi. Đúng hôm trời trở rét đột ngột, bà đang lo lắng vì con không có áo rét thì bỗng thấy cô giáo mặc mỗi tấm áo mong manh, sắc mặt nhợt nhạt đường xa và rét, đem chiếc áo len của em tôi về để đổi lại chiếc áo của tôi. Đó chỉ là một trong rất nhiều kỷ niệm về cô mà đến mấy chục năm sau, vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của mẹ tôi.

Thời nào cũng vậy, hầu hết các thầy cô giáo luôn tâm huyết với sự nghiệp trồng người mà họ đã chọn và hết lòng vì học sinh. Hình ảnh của những người thầy giáo, cô giáo luôn là tấm gương sáng không chỉ cho các thế hệ học sinh mà cả xã hội soi vào.

Có biết bao thầy cô giáo đang ngày đêm thầm lặng, miệt mài dạy dỗ cho những thế hệ học sinh trưởng thành. Có nhiều thầy giáo, cô giáo có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, như thầy giáo Nguyễn Hữu Thắng ở xóm 2, xã Nam Xuân, Nam Đàn, Nghệ An, bị bại liệt; thầy giáo Khanh Rong bị cụt 2 tay và mù một mắt ở THCS Thạnh Trị (xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng)… nhưng vẫn yêu nghề, vẫn là những người thày giỏi, là tấm gương sáng cho học trò.

Không ít thầy cô sẵn sàng từ bỏ điều kiện thuận lợi ở thành phố, chấp nhận những thiệt thòi trong cuộc sống riêng, tự nguyện đến những nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Những hình ảnh đẹp đẽ đó đã tạo dựng niềm tin to lớn và sự trân trọng của cả xã hội.

Vậy mà, trong xã hội hiện nay, vẫn còn lọt vào môi trường sư phạm trong sáng đó những kẻ mang danh nhà giáo, làm những chuyện xấu xa, ô uế. Mọi người mới tạm quên đi những kẻ sa đọa một thời đội lốt thầy giáo như Sầm Đức Sương thì vừa đây, ông giám thị T.T.B của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Bình (TP HCM) lại gây ra chuyện tày trời là nhắn tin rủ nữ sinh “làm chuyện người lớn” để đổi lấy điểm.

Đọc những dòng tin nhắn ông T.T.B gửi cho các nữ sinh, mới thấy sự bệnh hoạn của một con quỷ đội lốt thầy giáo. Lại càng ghê tởm khi nghĩ đến hình ảnh ông ta hàng ngày đứng trước hàng trăm em học sinh để rao giảng về những lời lẽ tốt đẹp.
 
Những kẻ suy đồi đạo đức như vậy chắc chắn sẽ chịu hình phạt của luật pháp và cao hơn cả là bản án lương tâm dành cho họ. Nhưng qua những sự việc như thế này, nhiều người cũng không thể không trăn trở về môi trường giáo dục hiện nay. Trong đó có việc ngành Giáo dục đã thực sự nghiêm túc, trách nhiệm trong việc đào tạo, tuyển dụng những người “làm thầy” của cả xã hội?.
Không phải đến bây giờ và đến chuyện ông T.T.B làm bậy thì nhiều người mới cảm thấy bất an. Mà sự bất an này đã diễn ra nhiều năm nay, thậm chí là cả chục năm trước về nhiều vấn đề trong giáo dục, nhất là việc giáo dục kiến thức, nhân cách cho học sinh và cả nhân cách của người làm thầy.

Những chuyện bất cập đang diễn ra trong ngành Giáo dục, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ con người. Nếu thực sự trong môi trường này chỉ toàn những người có tâm, chăm lo cho sự nghiệp “trồng người” thì chắc chắn không có nhiều chuyện tiêu cực xảy ra như hiện nay, ngành Giáo dục không phải ngày đêm giám sát việc dạy thêm học thêm, nhiều trường sẽ không chạy theo thành tích thay vì bồi đắp kiến thức cần thiết cho các thế hệ mai sau. Chắc chắn, cũng không có chuyện ngay từ lớp 1, học sinh đã được học cách nói dối rằng: đi học thêm, nhưng khi có người hỏi thì trả lời “không học!”… Và cũng sẽ không có những chuyện đau lòng như vừa qua là giám thị gạ học sinh “đổi tình lấy điểm”…

Giáo dục là một môi trường hết sức đặc biệt, ảnh hưởng đến hầu hết mọi người trong xã hội, nhất là những thế hệ tương lai của đất nước. Mỗi người làm thầy, làm cô đều có sự ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với sự phát triển nhân cách, trí tuệ của các em học sinh.

Sinh thời, Bác Hồ đã từng dạy “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Vì sự phát triển của các thế hệ tương lai, rất mong ngành Giáo dục thực sự quan tâm trong việc tuyển chọn, sàng lọc đội ngũ những người làm thầy, để thực sự có được những người có tài, có đức, hết lòng chăm lo cho sự nghiệp trồng người./.

Theo Blog nhà Hến/VOV

5 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  2. Con sâu này chỉ là ... sâu cò mồi (chạy điểm ). Hic! Dĩ nhiên thôi, bởi giám thị đâu phải là người có quyền cho điểm ???

    (Nghe tin vỉa hè gia cảnh hắn rất khó khăn, 1 vợ 3 con (ủa sao lại 3 con ? ở Phòng GD nào cũng thực hiện "mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con từ lâu lắm rồi mà ? Các cô giáo thì bị siết rất ngiêm khắc, phải ký tên cam kết không được sinh con thứ 3, còn các thầy giáo thì có nhiều trường lờ lớ lơ... hơ hơ ) , các con hắn đều còn nhỏ, vợ hắn phải ngày ngày nhặt rác ở trường học để bán ve chai kiếm thêm đắp đổi qua ngày, ... )

    Nghĩ sao đây ? Hic!

    Trả lờiXóa
  3. http://kenh14.vn/hoc-duong/nhung-vu-thay-giao-ga-tinh-nu-sinh-gay-chan-dong-2013042809551822.chn
    Những vụ thầy giáo gạ tình nữ sinh gây chấn động
    11:00:43 28/04/2013
    Theo Infonet
    Đây là vụ việc đáng đáng buồn trong ngành giáo dục, bởi những người thầy cao quý đứng trên bục giảng lại chính là “yêu râu xanh” làm hại đời học trò.

    Sự việc giám thị T.T.B của Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Bình (TP.HCM) thường xuyên nhắn tin, gọi điện đề nghị một số nữ sinh khối 10, 11, 12 của trung tâm này đi nhà nghỉ để được "giúp đỡ" nâng điểm môn học, bị phanh phui khiến dư luận rất bức xúc. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra sự việc giáo viên lạm dụng chức vụ của mình để lợi dụng nữ sinh.
    Những vụ thầy giáo gạ tình nữ sinh gây chấn động 1
    Ông T.T.B (khoanh tròn đỏ).

    Cùng điểm lại hàng loạt vụ việc đau xót của những “yêu râu xanh” đội lốt thầy giáo gạ tình học trò từng gây chấn động dư luận.

    Giảng viên gạ tình nữ sinh lấy điểm

    Lý giải nguyên nhân những năm gần đây xảy ra hàng loạt vụ việc thầy giáo gạ tình học sinh, thầy Khắc Hiếu cho rằng: thứ nhất, do lỗ hổng của hướng nghiệp vì vậy nhiều người thi vào ngành này không phải vì cái tâm thật sự mà chọn nó như chọn một nghề nghiệp; thứ hai do môi trường kỷ luật chưa đủ chặt chẽ; thứ ba do học sinh chưa được giáo dục đầy đủ để có khả năng ứng xử trước những tình huống bị xâm hại.

    Giữa 2006, vụ việc ông Đỗ Tư Đông, giảng viên trường CĐ Phát thanh - truyền hình I (Hà Nam) gạ tình nữ sinh viên V.A để lấy điểm đã tạo nên làn sóng căm phẫn trong dư luận một thời gian dài.

    Cuộc "gạ gẫm" của giảng viên này đã được V.A ghi lại có nội dung nếu nữ sinh này chịu đi khách sạn một lần sẽ được cho điểm 8,5. Giả vờ đồng ý, V.A nhanh chóng được Đỗ Tư Đông chở đến một khách sạn, thuê phòng, rất may cô gái này đã nhanh trí tự giải thoát cho mình.

    Tuy nhiên, khi sự việc “mất nhân tính” này bị phanh phui, nữ sinh bị gạ tình dù đã cung cấp đoạn băng ghi lại cuộc nói chuyện giữa mình và Đỗ Tư Đông, nhưng y vẫn phủ nhận sự thật, cố tình quanh co.

    Đến khi PA25 công an tỉnh Hà Nam vào cuộc, thu thập bằng chứng, Đỗ Tư Đông mới thừa nhận hành vi đồi bại của mình.

    Hiệu trưởng dùng tiền “mua trinh” học sinh lớp 8

    Ba năm sau, hơn 1 triệu nhà giáo và dư luận cả nước lại bàng hoàng trước việc ông Sầm Đức Xương, hiệu trưởng trường THPT Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang dùng tiền "mua trinh" học sinh lớp 8.

    Ngoài việc thực hiện việc mua trinh và quan hệ tình dục với hàng loạt nữ sinh, Sầm Đức Xương còn bị tố cáo đã ép các nạn nhân đi bán dâm cho người khác và phải chia phần cho mình.

    Qua kết quả điều tra của công an cùng với diễn biến tại các phiên tòa và lời khai của các nạn nhân cho thấy, từ tháng 7/2008 đến tháng 9/2009, Sầm Đức Xương đã dùng thủ đoạn gạ gẫm, đe dọa để thực hiện hành vi mua trinh đối với 9 nữ sinh đang học tại trường THPT Việt Lâm và THCS Việt Lâm. Ngoài ra, cũng trong thời gian trên, thông qua một số đối tượng khác, Xương đã thực hiện việc mua trinh đối với 2 nữ sinh khác.

    Đặc biệt, dư luận còn bất ngờ hơn khi cơ quan điều cho biết: Ông Xương đã tham gia đường dây mua bán trinh học sinh THCS, THPT trong suốt thời gian dài.


    Trả lờiXóa
  4. Thầy giáo dạy Văn gạ tình nữ sinh bằng… đề thi

    Đến tháng 5/2012, tại huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, một sự việc đau lòng khác lại tiếp tục xảy ra. Nạn nhân là em B. (18 tuổi, ngụ tại Cái Đôi Vàm, Phú Tân), học sinh lớp 10 trường THPT Phú Tân.

    Em B. đã bị chính thầy giáo môn Văn là Phạm Thái Tây gạ tình bằng việc hứa sẽ tiết lộ đề thi, nâng điểm và cho nữa sinh này 500.000-700 .000 đồng.

    Sự việc bị vỡ lở khi mẹ của B phát hiện con gái mình ở trong phòng trọ của thầy Tây nên đã làm đơn tố cáo lên công an huyện Phú Tân. Ngay sau đó, Phạm Thái Tây đã bị bắt giam và thừa nhận quan hệ với nữ sinh B. hai lần.

    Thầy giáo nhắn hơn 40 tin rủ nữ sinh đi nhà nghỉ

    Giữa năm 2012, vụ việc một giảng viên được phân công hướng dẫn cô sinh viên làm luận văn tốt nghiệp, đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện để gạ tình, nhưng không được đáp ứng, nên đã quay ra hù dọa sẽ đánh hỏng luận văn tốt nghiệp một lần nữa lại khiến dư luận dậy sóng.
    Những vụ thầy giáo gạ tình nữ sinh gây chấn động 2
    Một trong số 40 tin nhắn của thầy Ninh gửi đến nữ sinh D. (Ảnh: vtc.vn)

    Đó là ông Trần Xuân Ninh (SN 1960), Trưởng Phòng Tài vụ - Kế toán, giảng viên môn Quản trị Doanh nghiệp, ĐH Tây Nguyên. Ông này được phân công hướng dẫn em C.T.D. (SN 1989, sinh viên năm 4, Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh) làm luận văn tốt nghiệp.

    Sau khi sự việc xảy ra, D. đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng trình bày cụ thể: thời gian từ tháng 3 đến tháng 5, ông Ninh gần như không quan tâm gì đến việc hướng dẫn em D. làm luận văn, chỉ khi thời hạn bảo vệ luận văn còn khoảng 1 tháng thì D. mới bắt đầu được ông Ninh hướng dẫn. Cũng trong khoảng thời gian này, ông Ninh thường xuyên nhắn tin, gọi điện, hẹn gặp trực tiếp với nội dung, ông Ninh sẽ giúp cho bài luận văn được suôn sẻ nếu em D. cho quan hệ tình dục.

    Chỉ trong thời gian gần một tuần nhưng ông Ninh, đã nhắn tin, gọi điện hơn 40 lần để gây áp lực, buộc em D. phải đến nhà nghỉ.

    Trả lờiXóa
  5. Chuyên gia tâm lý bày cách "thoát hiểm"

    Trước những câu chuyện đáng lo ngại trên, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên ĐH Sư phạm TP. HCM) khẳng định những người có hành vi này không xứng để được gọi là thầy. Bởi chỉ nhìn dưới góc độ đạo đức thông thường còn không thể chấp nhận được, chưa kể nhìn dưới góc độ của một con người đang làm trong môi trường giáo dục.

    Theo thầy, hành vi gạ tình đổi điểm biến môi trường giáo dục trở thành phản giáo dục, biến nơi để các em vươn đến chân thiện mỹ trở thành địa ngục trần gian. Nhà trường hoàn toàn mất đi ý nghĩa giáo dục của mình.

    Sự dọa dẫm thậm chí đe dọa sẽ khiến học sinh mất tinh thần, trở nên lo âu, hoảng sợ. Từ đó không có tâm trí để tiếp tục nhiệm vụ học tập của mình, dễ trở nên ngày càng sa sút.

    Đặc biệt, học sinh sẽ mất đi niềm tin vào người thầy, vào nhà trường, vào đạo đức xã hội, từ đó trở nên thù ghét nhà trường, thù ghét xã hội trong suốt cuộc đời mình, đó là cái mất lớn nhất mà không thể nào bù đắp lại được.

    Với những nữ sinh đã trở thành nạn nhân của “yêu râu xanh” đội lốt thầy giáo, thầy Khắc Hiếu nhắn nhủ: “Các em cần nhìn nhận rằng người thầy đó không phải là một người thầy, và họ không thể đại diện cho tất cả những người thầy khác. Vẫn còn vô vàn những người thầy, người cô chân chính, vì vậy, đừng mất niềm tin vào những người đang đứng trên bục giảng và dìu dắt sự phát triển của em".

    Bởi ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, quan trọng là phải giữ được mình, đấu tranh với kẻ xấu, và đặc biệt là hãy để dành tâm trí để tìm ra phương pháp học tập hiệu quả để cải thiện tình hình học hành của mình.

    Để giúp các nữ sinh “thoát hiểm” khi gặp phải tình huống này, thầy Khắc Hiếu đưa ra lời khuyên: “Một là kiên quyết từ chối. Sự kiên quyết sẽ làm đối phương e ngại.

    Hai là phải tìm cách tố giác ngay lập tức: phải lưu giữ lại tất cả tin nhắn hoặc những chứng cớ về việc gạ tình, hăm dọa. Kể với cha mẹ và gặp trực tiếp ban giám hiệu, yêu cầu cha mẹ báo với chính quyền địa phương, liên kết các học sinh khác cùng cảnh ngộ để tạo lực lượng có tiếng nói. Nhà trường cơ bản vẫn là những người tốt, mọi người sẽ đứng về phía mình".

    Trả lờiXóa