++ ++ THÂN MẾN CHÀO CÁC BẠN ++ ++

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Gian ác chưa từng thấy : Thầy thuốc như mẹ ... mìn ?

Nhân bản xét nghiệm và chuyện nhà nghỉ “bị lộ”



Người dân Việt chỉ có mong ước: Đó là không phải luôn “giật mình…té ngửa”, vì những thứ nghịch lý, và phi nhân bản đến đau lòng.

Kỳ Duyên


Đúng vậy. Không phải chỉ cái thông tin tăng giá điện 5%, bắt đầu từ tháng 8, của “nhà điện EVN” khiến cả xã hội, từ người dân đến các doanh nghiệp nháo nhào. Mà trong tuần này, vụ việc của nhiều ngành chả liên quan gì đến điện cũng khiến xã hội giật mình… té ngửa, hệt bị điện giật.
Sau cú té ngửa là bàng hoàng, đau xót, và phẫn nộ.

“Nhân bản” hay phi nhân bản?

Đó là vụ việc “nhân bản” của Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) đang gây sốc nặng cho xã hội (1).
Nói thẳng, cái khái niệm “nhân bản” y học, ở đây thực chất là hành vi “phi nhân bản” của đạo đức con người, của gần chục vị nhân viên khoác áo blouse trắng tại khoa này.
Sự việc bị phát hiện thật kinh hoàng: Một phiếu xét nghiệm huyết học nhưng được trả để dùng cho nhiều bệnh nhân, bất kể tuổi tác, bất kể giới tính, bất kể thể trạng bệnh tật: Lao phổi, áp xe cạnh hậu môn, viêm phế quản, viêm ruột thừa… Bất kể, chung tất!

Người đọc sẽ nghĩ gì khi kết quả xét nghiệm huyết học cụ già 80 tuổi có thể “chung” với em bé 22 tháng tuổi; thậm chí với bé chỉ 04 tháng tuổi?

Vì sao? Vì như thế bệnh viện vừa không mất tiền hóa chất, có “kết quả” trả cho người bệnh trong thời gian sớm nhất, tạo sự hài lòng giả tạo, khiến bệnh nhân kéo tới càng đông. Nói như chị Hoàng Thị Nguyệt, cán bộ xét nghiệm của khoa, người phụ nữ dũng cảm đã lôi sự việc ra ánh sáng, là nhân dân thì bị nhận một dịch vụ lừa đảo. Liệu có phải là là một sự trục lợi bảo hiểm y tế có chỉ đạo, tổ chức?
Kinh khủng, ngay cả với bệnh nhân cấp cứu, họ cũng chỉ ghép kết quả xét nghiệm máu của người khác vào, chứ không làm xét nghiệm thật. Đương nhiên kết quả xét nghiệm huyết học sai lệch sẽ dẫn đến những chẩn trị, điều trị sai lệch.

Đó đâu chỉ vì tiền. Đó còn chính là tội ác!

Sinh- tử của bệnh nhân, nhiều khi “nói” rất rõ phẩm hạnh người thầy thuốc.

Thông tin tổng hợp cho biết, từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, hơn 1000 phiếu xét nghiệm huyết học được bệnh viện này “nhân bản” và trả cho hơn 2000 bệnh nhân. Còn trước đó nữa ra sao? Nghe mà cứ tưởng như nội dung của một bộ phim hình sự về tội ác trong y học của nước tư bản nào.
Máu thì đỏ, nghề thì từ tâm, mà sao tim con người lại nhẫn tâm đến thế?

Có ai trong số những kẻ khoác áo blouse trắng này nghĩ rằng, nếu người thân ruột rà của họ nằm trong số hồ sơ huyết học được “nhân bản”, sẽ ra sao? Người viết cứ nghĩ mãi về sự liều lĩnh, man trá thản nhiên, bất chấp tính mạng bệnh nhân của họ, mà không giải thích nổi. Chỉ có thể nghĩ rằng, âu, họ cũng có chung một “nhân bản” khác: Đó là sự vô lương tâm!

Được biết, ngành y tế đã chỉ đạo làm nghiêm khắc vụ việc động trời này. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an HN cũng đã khởi tố vụ án.

Nhưng còn bao nhiêu vụ việc vô trách nhiệm khác trước sinh tử con người, sinh tử trẻ em? Mới đây, lại thêm cái chết tức tưởi của hai mẹ con sản phụ tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ. Dư luận xã hội đang chờ thái độ sòng phẳng của ngành.

Ở góc độ khác, liên quan đến “sinh- tử” của văn hóa xã hội, mới đây, một vị Phó Chủ tịch t/p Đà Nẵng đặt câu hỏi về hiện tượng mại dâm, trước sức sống … “bất tử” của nó.
Đến mức đi thực tế một bản vùng cao, từ huyện vào bản mất 03 giờ đồng hồ, một năm, ngân sách được giao có 11 triệu, nhưng chỉ thu được 03 triệu, một xã khác, 06 tháng đầu năm thu được có vỏn vẹn 500 ngàn đồng, mà vẫn có mại dâm. Thật đáng nể!

Thế nhưng, cái nghề đó, hóa ra giờ đây nó nảy nở ở ngay chính những mảnh đất mang tính đặc thù, tưởng là phải “miễn dịch”- giáo dục.
Thậm chí, nó còn mang tính “kế thừa” một cách tủi nhục, từ cấp học cao đến cấp học thấp hơn, từ thầy giáo phổ thông, đến các nữ sinh đại học vừa bị bắt vì làm gái mại dâm, hoặc to gan hơn, có nữ sinh còn cầm đầu đường dây mại dâm, diễn ra ở các vùng miền: t/p HCM, Quảng Bình, Hà Nội… làm nên “cặp đôi hoàn hảo” bẽ bàng?

Giáo dục bị tổn thất nhiều, và cũng làm xã hội tổn thương nhiều. Nhưng sự tổn thất và tổn thương kiểu này, nó để lại “bia miệng” thế gian, không sao… mòn được. Đó mới là điều cay đắng.
Sau vụ vị hiệu trưởng một trường THPT miền núi cao Hà Giang mua dâm trẻ vị thành niên bị án 09 năm tù, đến lượt ông C.T.H, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ ở tỉnh miền núi thấp Thái Nguyên, cũng vừa bị cơ quan chức năng bắt, điều tra về hành vi chứa chấp gái mại dâm, khiến người dân, các bậc cha mẹ học sinh nhà trường… té ngửa (Baomoi.com, ngày 04/8).

Được biết, gia đình ông này có mở nhà trọ.

Nói cho công bằng, nhà nghỉ, nhà trọ trong xã hội giờ đây như nấm sau mưa. Việc chứa chấp gái mại dâm trong nhà trọ của ông C.T.H chỉ là câu chuyệnkính thưa các nhà nghỉ bị lộ và chưa bị lộ, mà thôi.
Nhưng vụ việc và hình ảnh ông thầy đáng kính, mà sản phẩm giáo dục, dạy dỗ của ông là những đứa trẻ thơ dại, lại đi chứa chấp gái mại dâm, nó nhơ nhớp và đau xót lắm.

Vì “GD- nhà trường- ông thầy”, luôn là một lãnh địa đặc thù, phải bảo đảm sự lành mạnh. Người ta không thể “trồng người” thành công, nếu trí tuệ, đặc biệt tâm hồn, nhân cách, phẩm hạnh của người trồng bị …tàn phá, hay đục ruỗng. Chính sự khắc nghiệt của nghề, đòi hỏi những ai dấn thân vào nghề nhớ tới câu Kiều để tự “dọn mình” trước vị Chúa- Lương tâm và phẩm cách:Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…

Đó là cái vinh, cái nhọc của nghề làm thầy thiên hạ, phải ý thức sâu sắc lắm, mới có thể gánh trọn bổn phận. Có điều, cái gánh đó quá nặng với sức khỏe phẩm cách của ông C.T.H? Lạ nhất, ngay khi bị bắt, ông còn cho rằng- có lẽ trước đây, xin phép xây dựng một sân bóng cho học sinh trong trường, trên nền một nghĩa trang cũ, và cho thi công nên mới gặp hạn.Vì sao, đến ngay cả lúc bị tạm giam, ông vẫn đổ và chỉ thấy “trách nhiệm” là các…linh hồn ở nghĩa trang?

“Sinh- tử” của nhân phẩm, rất lớn. Nhưng có khi lại bé mọn đến không ngờ.

Những ngày qua, câu chuyện nghĩa hiệp của Trần Hữu Hiệp, giữa dòng nước xiết, vẫn nhường áo phao của mình cho người khác, trong vụ chìm tàu ở biển Cần Giờ, khiến xã hội vô cùng khâm phục, phải kính cẩn nghiêng mình trước vong linh người thanh niên 25 tuổi. Thì một câu chuyện khác, của những chi đoàn thanh niên các trường THPT huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), lại khiến xã hội bất bình, khinh thường.

Đó là sau tham gia chương trình “góp đá xây Trường Sa”, do TƯ Đoàn phát động, họ đã không nộp hết số tiền các đoàn viên quyên góp, mà tự ý nhập vào quỹ riêng, “ngâm tiền” trái với quy định (Pháp luật &Xã hội, ngày 05/8)
Hoàng Sa- Trường Sa luôn là nỗi đau, là cái tên thiêng với những người Việt yêu nước. Làm bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ, sống bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ. Vì đó là chủ quyền nước Việt đang bị thách thức nghiêm trọng.


Số tiền bị “ngâm” không lớn, nhưng chính vì thế, nó làm dư luận xã hội kinh ngạc. Một số tiền nhỏ, cho một việc làm ý nghĩa lớn như vậy, mà họ, những chi đoàn thanh niên đã không làm tròn bổn phận, hơn nữa, còn có ý định cất riêng.

Vì sao, biển ở nơi này, một người thanh niên có thể quên thân, biển ở nơi kia, nhân danh tổ chức đoàn cơ sở, lại có thể… “vì thân” đến vậy? Còn trẻ đã nghĩ tới cái lợi riêng. Lớn nữa có danh có lợi, có quyền, thì con đường từ ăn nhỏ  đến ăn lớn, từ “ngâm tiền” đến tham nhũng, nhóm lợi ích, chắc chắn rất gần.
Những hiện tượng nêu trên, có liên quan gì đến câu nhận định nhức nhối của nhiều vị GS “Nhân cách trong học đường rất đáng ngại” (VOV, ngày 04/8) trong một hội thảo về GD mới đây?

Thật ra, nhận định đó không còn là thời sự nữa. Bởi thực chất, nó tồn tại và lưu cữu hàng mấy chục năm nay. Nhưng nó luôn nóng hổi, vì xét cho cùng, đạo đức học đường xuống cấp vẫn là cái gốc, cái mầm của cái xấu, thậm chí là của tội ác, của sự băng hoại các giá trị văn minh, văn hóa  xã hội.


Làm bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ, sống bao nhiêu cho HS- TS cũng không đủ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ngành GD, trải qua 04- 05 cuộc cải cách, đổi mới, trọng tâm duy nhất của ngành, tiếc thay chỉ đủ sức tập trung cho việc dạy chữ, mà cũng… chưa xong.

Cũng như ngành y tế, đến lúc, ngành GD phải có những đổi thay quyết liệt nhưng không chỉ đơn thuần chuyện dạy chữ, chuyện thi cử, điểm cao điểm thấp, mà quan trọng không kém, là chuyện dạy người.
Bởi đó mới chính là sứ mệnh nhân bản nhất, là lý do để ngành GD tồn tại. Dĩ nhiên, sự đổi mới của GD không thể không gắn với đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý chính trị- kinh tế- xã hội, một điều kiện tiên quyết.

Tâm trạng nhân dân còn… “khó tả” hơn

Cho dù hai cơn bão số 05, 06 đổ bộ cùng mưa gió diện rộng tơi bời nhiều tỉnh, vẫn không làm hạ được nhiệt lượng- cơn sốt tăng giá điện 5% của EVN bất ngờ kiểu “du kích” đối với xã hội (1.508,85 đồng/ kWh). Như vậy, từ tháng 7/2012 đến nay, ngành điện đã 03 lần tăng giá. Không biết đã quá tam ba bận chưa, hay sẽ là n bận?

Hàng trăm bài báo, bài viết trên các trang mạng xã hội phản biện lại chủ trương này dưới đủ các tiêu đề. Thậm chí ở Thanh Hóa, gần 400 ki-ôt của tiểu thương đồng loạt đóng cửa phản đối giá điện “cắt cổ”.
Giá điện tăng, trước đó, giá xăng dầu tăng, giá sữa tăng tới 05 lần (từ 5- 20%), kéo theo tất cả giá các mặt hàng, cho tới tận mớ rau, con cá, hoa quả…, cũng đi lên. Đương nhiên mức sống của người dân buộc phải đi xuống. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, sự đóng băng của bất động sản, giá vàng lúc cao lúc thấp, xoay như chong chóng, khiến người dân như mắc “dịch”… rối loạn tiền đình!

Tối 04/8, trả lời phỏng vấn của báo chí, trong mục Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời, được phát trên VTV1, Bộ trưởng Bộ Công thương có một phát ngôn ấn tượng: Cứ mỗi lần đặt vấn đề điều chỉnh giá điện, chúng tôi có tâm trạng rất khó tả.

Sau phát ngôn đó, lập tức báo chí, người dân đáp lời bằng những cái tít thẳng thắn: Bộ trưởng“khó tả”, dân và doanh nghiệp “khó thở”(VietNamNet, ngày 06/8); Tâm trạng “dễ tả” của người dân (Nông nghiệp VN, ngày 06/8):… Đó là sự BỨC XÚC.

Những tít báo, những câu trả lời ngắn gọn, hàm chứa thực trạng đời sống của người dân, kể cả sự lao đao của không ít doanh nghiệp.

Thật ra thì tâm trạng người dân còn khó tả hơn nhiều, thưa Bộ trưởng. Vì tâm trạng khó tả của ông, chỉ diễn ra vài giây. Rồi ông sẽ trở về với trạng thái bình tâm như vừa làm tròn bổn phận, khi người dân dù muốn dù không vẫn phải chấp nhận giá điện tăng 5%. Vì có gia đình nào cuộc sống không cần điện?
Còn tâm trạng khó tả của người dân thì diễn ra ngày ngày, tháng tháng, và quanh năm, khi phải luôn đối mặt với những chỉ số leo thang giá cả vô hạn định và bất ngờ như “đánh úp”.

Sự bức xúc của người dân là có lý, sự phản biện của báo chí trước cách tăng giá điện 5% là có lý.

Bởi, ngành điện đã không hề thực hiện theo ý kiến của Chính phủ, việc tăng giá điện cần phải có lộ trình, và phải có ý kiến phản hồi từ phía người dân.
Bởi, mặc dù tính toán theo EVN, là để bù lỗ cho giá than, giá khí tăng, những nguyên liệu đầu vào của giá điện, nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, EVN đã không bao giờ công khai cụ thể chi phí tăng thế nào, tăng ở những khâu nào.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Các giải trình tăng giá điện từ trước đến nay lần nào cũng chung chung.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Với điện, lâu nay vẫn chỉ có một chiều là tăng mà không có giảm. Không chỉ EVN, mà cả nhà điều hành đang nợ người dân sự công khai, minh bạch với giá điện. Nhưng công khai, minh bạch là món nợ đối với người dân, không chỉ trong lĩnh vực tăng giá điện, mà trong nhiều vấn đề khác nữa.


Còn chuyên gia Nguyễn Minh Phong: Giá điện các công ty tư nhân bán cho EVN chỉ khoảng hơn 700 đồng/ kwh, còn giá EVN bán ra, lên tới hơn 1.400 đồng/ kwh. Vậy số tiền chênh 700 đồng/ kwh được tính vào những chi phí nào để có mức tiền chênh lớn như thế? (2)

Bởi, nhiều ý kiến khác nghi ngờ, phải chăng ngành điện đang cố gắng lấy tiền tăng giá bán để bù đắp cho những khoản lỗ đầu tư ngoài ngành, kiểu của người phúc ta?

Bởi, người dân cũng chưa quên, trước đó, dư luận xã hội từng xôn xao trước đồng lương khủng của EVN. Mức lương của lãnh đạo EVN hơn 600 triệu đồng/ năm. Mức lương cán bộ văn phòng- 30 triệu đồng. Mức lương trung bình của cán bộ, công nhân viên là 7,5 triệu đồng. Vậy mà đã là nỗi ‘đau lòng” của ông Tổng Giám đốc khi đó, trong khi mức lương này còn cao hơn cả các doanh nghiệp có mức lương trung bình đầu bảng.

Một doanh nghiệp làm ăn lỗ lãi, bao giờ cũng phản ánh ở mức lương của cán bộ, công nhân viên. Khó có một doanh nghiệp nào, làm ăn thua lỗ, mà lương cao chất ngất.
Có thể, khi tăng giá điện 5%, EVN mong muốn người dân biết chia lửa, thông cảm với khó khăn của một tập đoàn kinh tế lớn. Người dân Việt bản chất vốn dễ đồng cam cộng khổ, thế nhưng, trước món nợ “công khai, minh bạch” này, người ta có quyền hoài nghi: “Lửa” thì dân chịu, còn “chia” thì các bác EVN hưởng?
Công khai minh bạch, quả là món nợ khó trả, nên tại cuộc họp báo mới đây nhất, trước những câu hỏi, chất vấn khó nhằn của báo chí, Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa cũng có một phát ngôn ấn tượng không kém: Tôi xin phép tại họp báo không trả lời nữa.

Không trả lời nữa và không trả lời nổi, khác hẳn nhau về bản chất. Mà ở đây, có lẽ là không trả lời nổi, thưa Thứ trưởng?

Nhưng EVN lại có một điều có lý duy nhất: Điện là lĩnh vực họ độc quyền!

Đã là độc quyền, thì hay dở tốt xấu gì, người dân đều phải chịu? Muốn giá điện thực sự “lành mạnh”, trước sau phải xóa bỏ độc quyền.
Bình yên là trạng thái tâm lý hạnh phúc của con người. Nếu vậy, người dân Việt chỉ có mong ước: Đó là không phải luôn “giật mình…té ngửa”, vì những thứ nghịch lý, và phi nhân bản đến đau lòng.
Đến bao giờ?
————–
Tham khảo:
Theo VNN

----------

Bình loạn : Xin lỗi, dân đen xứ lừa đã chịu hổng nổi từ lâu rồi ! (Chứ không phải từ những chuyện các đồng chí chưa bị lộ mới từ từ bị lộ gần đây :)

2 nhận xét:

  1. Tưởng như không thể nào tin nổi, nhưng đó lại chính là sự thật phũ phàng !

    Trả lờiXóa
  2. Chắc cũng đưa bài này vào hồ sơ lưu trữ :)

    Trả lờiXóa