Trần Đình Sử
Theo quan điểm của nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet (1874-1936) trong sách Sinh lí học phê bình (1922) thì phê bình chuyên nghiệp đối lập với phê bình tự phát.
Phê bình tự phát là loại phê bình tự nhiên của người đọc. Đọc xong một
cuốn sách hay thì vỗ đùi khen, nếu đọc cuốn sách dở, buột miệng chửi một
tiếng, hay khi trà dư tửu hậu, hoặc lúc dạo chơi với bạn bè, bàn bạc
mấy câu về cuốn sách nào đó… Đó là phê bình tự phát. Loại phê bình này
chủ yếu là phê bằng miệng, bằng động tác, như phẩy tay, dẫu miệng…đều là
tự phát cả.
Sau này trong các xa lông sang trọng của các bà quý tộc,
các bà mệnh phụ sau cuộc chơi bài, đàm đạo mấy cuốn sách vừa xem, đó vẫn
là phê bình tự phát. Anh Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, khi nghe vợ đọc Tam quốc diễn nghĩa,
đến chỗ hay, vỗ đùi đánh đét khen : “Tài thật, Tài thật. Tài đến thế là
cùng. Tiên sư anh Tào Tháo!”, “Tiểu thuyết thì nhất anh Tàu”. Đó cũng
là phê bình tự phát. Phê bình tự phát có mọi nơi, mọi lúc, đồng hành
cùng sinh hoạt văn học của con người. Dù cho phê bình chuyên nghiệp có
chết hết đi thì phê bình tự phát vẫn sống. Phê bình tự phát khi thành dư
luận mạnh mẽ buộc phê bình chuyên nghiệp phải nhào vô giải thích. Phê
bình tự phát thường có ba nhược điểm.
Một là thường nói theo, nói leo.
Người đã đọc sách nhận xét đã đành, người không đọc cũng nghe rồi nói
theo, bàn tán, thực ra là nói mò. Hai là phê bình tự phát dễ biến thành ý
kiến nhóm, có thói quen riêng, thiếu cái nhìn toàn bộ, dễ thiên lệch.
Ba là dễ chạy theo thời thượng, đồng thời cũng nhanh chóng bị thay thế,
thiếu bền vững, hôm nay vừa khen, ngày mai thấy nói khác, lại nói theo,
số phận ngắn ngủi. Có một thời, sách xuất bản xong liền có cán bộ đi thu
thập ý kiến bạn đọc các giới, kết quả thu được chỉ là các dư luận như
thế, rất ít tính khoa học. Tất nhiên phê bình chuyên nghiệp cũng góp
phần định hướng cho phê bình tự phát, giúp nó sâu sắc hơn.
Phê bình văn học phát triển đến một lúc nào đó thì nảy sinh ra sự
phân công, và thế là xuất hiện các loại phê bình, trong đó có loại phê bình kiểm dịch.
Nhà tư tưởng Khai sáng Pháp là Voltaire (1694 – 1778) có lần nói:
“Chúng ta nhìn thấy, trong các nước hiện đại, khi người ta ra sức phát
triển văn học thì có một số người trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp,
cũng giống như người ta muốn kiểm tra các loại lợn đem ra thị trường có
bệnh hay không, người ta đã thiết lập những người chuyên môn kiểm tra
lưỡi lợn. Những người kiểm tra lưỡi lợn trong văn học không phát hiện
được một nhà văn nào là lành mạnh cả” (Sách đã dẫn của Thibaudet, Nxb
Tam Liên, Thượng Hải, năm 2002, tiếng Trung, tr. 74). Xin chú ý mấy chữ
này của Voltaire: phê bình kiểm dịch trong văn học không phát hiện được ai là lành mạnh cả.
Nó là nghệ phát hiện bệnh của văn học. Như thế, có thể coi nhà phê bình
chuyên nghiệp đầu tiên là người có chức năng giống như nhân viên thú y
kiểm dịch ngoài chợ, thấy có bệnh thì kêu lên, để mọi người tránh xa,
không mua hàng đó.
Cứ theo chức năng ấy thì nhà phê bình chuyên nghiệp
kiểm dịch đầu tiên của nhân loại phải kể đến Đức Khổng Tử bên Tàu. Khổng
Tử đã lựa hàng vạn bài ca dao, dân ca của các nước trong lãnh thổ Trung
Hoa cổ đại, chọn lấy 305 bài, theo tiêu chí “tư vô tà”, tức là tư tưởng
không có gì sai trái, lệch lạc, đồi trụy, có thể lưu hành. Còn các bài
khác “có tà” đã bị ông vứt bỏ, thất truyền hết. Nhưng Khổng Tử là nhà
kiểm dịch lỗi lạc, bởi trong tư tưởng của ông, lấy ngôn chí, tải đạo làm
gốc, có sự thống nhất giữa mĩ và thiện, chấp nhận thi ca có thể hứng,
quan, quần, oán, văn chất thống nhất với nhau, cho nên 305 bài vẫn bao
hàm đủ các tác phẩm xuất sắc, đa dạng. Platon, người Hi Lạp (427 – 327),
sống sau Khổng Tử 100 năm (552- 479) cũng là nhà phê bình kiểm dịch.
Nhưng khác với Khổng Tử, Platon quá cực đoan, ông coi thi ca (văn học )
đều là ôn dịch, nên ông đuổi tất ra khỏi nước Cộng hòa lí tưởng của ông.
Nhìn theo lịch sử như vậy ta sẽ thấy từ khởi thủy phê bình chuyên
nghiệp, phân biệt với phê bình tự phát, trước hết là loại phê bình kiểm
dịch mà Voltaire đã nói. Nhưng phê bình kiểm dịch đời sau ngày một kém.
Nó chỉ quan tâm tới sự lành mạnh của văn học theo tiêu chí hình thức,
hay tiêu chí đạo đức hay chính trị quốc gia, mà không hề quan tâm đến
giá trị nghệ thuật đích thực. Các nhà quản lí quốc gia bao giờ cũng ưu tiên phát triển loại phê bình kiểm dịch này.
Theo Thibaudet, thế kỉ XVII Tể tướng của vua Louis XIII là Richelieu
đã đem phê bình kiểm dịch áp đặt cho Viện Hàn lâm Pháp. Bất đắc dĩ Viện
Hàn lâm Pháp phải chấp nhận, nhưng cũng chỉ sử dụng có một lần duy nhất
rồi thôi. Phê bình kiểm dịch Pháp chỉ đơn giản là đem tác phẩm văn học
ra đối chiếu với các quy phạm thể loại, tuy nó thấy tác phẩm nào cũng
không hợp chuẩn, nhưng văn học “lệch chuẩn” không bị nó đem ra đốt, văn
sĩ không mấy người bị đem đi chôn. Sau thế kỉ XVII phê bình chuyên
nghiệp châu Âu chuyển sang phê bình học thuật và hàn lâm, phê bình kiểm
dịch tất nhiên vẫn còn, nhưng nói chung không còn trở ngại cho các công
trình nghiên cứu học thuật.
Ở Trung Quốc xưa kia phê bình kiểm dịch thực hiện chức năng phát hiện
các vụ án văn tự ngục khiến bao nhiêu văn sĩ rơi đầu. Đó là lối đọc văn
cắt xén, suy diễn để quy tội phản lại triều định, phản loạn, nhằm khép
đối tượng vào tội chết.
Vụ án văn tự ngục đầu tiên của Trung Quốc xảy ra
vào thời Chiến Quốc, quyền thần nước Tề gian ác, giết vua, sử quan ghi
đúng sự thật, bị khép vào tội chết, đem chém đầu. Suốt lịch sử Trung
Quốc, đã có hàng chục vạn người chết vì văn tự ngục. Riêng đời Thanh văn
tự ngục giết chết 200 người, liên lụy trên ba nghìn người. Thời phong
kiến nước ta cũng thế.
Trong các cuộc đấu tranh tư tưởng ở Trung Quốc
suốt thời kì Mao Trạch Đông thống trị, đến cách mạng văn hóa, phê bình
kiểm dịch thực hiện chức năng chỉ ra đâu là dấu hiệu của tư tưởng phong
kiến, đế quốc, tư sản, xét lại, đồi trụy, chống đảng, chỉ ra ai là kẻ
thù, đẩy hàng chục vạn người đi lao động cải tạo, bức hại, nhiều người
tự tử. Diêu Văn nguyên, một trong lũ bốn tên là nhà phê bình kiểm dịch
khét tiếng nhất, gian ác nhất. Chu Dương suốt đời trung thành với Mao,
thế mà cuối cùng bị Diêu Văn Nguyên tố cáo chống lại tư tưởng của Mao,
phải đi lao động trong chuồng lợn. Ở nước ta, trong thời kì bắt đầu xây
dựng chủ nghĩa xã hội, phê bình chuyên nghiệp cũng thực hiện nhiệm vụ
kiểm dịch, chỉ ra các biểu hiện tư sản, phản động, đồi trụy, xét lại,
bôi đen chế độ… Ở nhiều giai đoạn, loại phê bình kiểm dịch này cũng
thịnh hành ở nước ta.
Thế cho nên, hàng loạt tác phẩm, ví như Vào đời, Sắp cưới, Mùa hoa dẻ, Sương tan, Phá vây, Chuyện kể năm 2000 ,Miền hoang tưởng, Cây táo ông Lành, Sẹo đất, Vòng trắng, từng bị
phê bình chuyên nghiệp phanh phui, lên án, xem đó là những tác phẩm “có
vấn đề”, dù sau này nhìn lại hầu như chẳng có vấn đề tư tưởng quan
trọng nào cả. Lấy tác phẩm Vào đời (1963) của Hà Minh Tuân làm ví dụ. Người đầu tiên “có công” phát hiện Vào đời
“có vấn đề” là Nguyễn Phan Ngọc, người kết luận nặng nề nhất là Hồng
Chương, giữa thời gian đó, theo thông tin trên tạp chí “Nghiên cứu văn
học”, số 3 – 1963, trong hơn một tháng đã có 43 bài phê bình lớn nhỏ
đăng trên hầu hết các báo “Nhân Dân”, “Quân Đội nhân dân”, “Tiền phong”,
“Cứu quốc”, “Thống nhất”, “Độc Lập”, “Thủ đô Hà Nội”.., hầu hết đều ghi
tên biệt hiệu, không ghi tên thật. Kết quả là Hà Minh Tuân bị cách chức
Giám độc nhà xuất bản Văn học, điều chuyển sang Bộ thủy sản, làm chuyên
viên cá nước lợ, mãi đến năm 90 ông mới đuợc phục hồi.
Các dẫn chứng nói trên cho thấy, phê bình kiểm dịch có lịch sử lâu
đời và có chức năng đảm bảo cho văn học được lành mạnh theo quan điểm
nhà nước. Ngày nay ở Trung Quốc phê bình kiểm dịch cũng thịnh hành. Các
tác phẩm như Phế đô, Báu vật của đời, Búp bê Thượng Hải,…đều bị cấm, nhưng Báu vật của đời
lại được giải Nobel. Điều này cho thấy phê bình kiểm dịch tuy có tính
chuyên nghiệp, đúng hơn là tính nghiệp vụ, song chất lượng thực tế có
nhiều vấn đề đáng bàn, có những sai sót và nhiều khi gây hậu quả không
thể sửa chữa được. Phê bình kiểm dịch thường có mấy đặc điểm chung như
sau:
Thứ nhất: Vì văn học là hiện tượng phức tạp, nên phê bình kiểm
dịch không thể làm thí nghiệm, khó tìm được những tiêu chí khách quan
để kiểm dịch văn học giống như bác sĩ thú y kiểm dịch lưỡi lợn ngoài
chợ. Nguyên tắc “phương pháp luận” mà phê bình kiểm dịch thường dựa vào
để phát hiện “dịch bệnh” là cắt xén, suy diễn, quy chụp, cốt rút ra cho được cái mục tiêu tư tưởng của mình.
Thứ hai: Phê bình kiểm dịch thường tố lên tác hại nghiêm trọng
của ổ dịch, kích động xã hội cảnh giác, gieo rắc niềm lo lắng sợ hãi,
gây không khí bất an trong đời sống xã hội.
Thứ ba: Sau khi phát hiện ổ bệnh trong văn học, các nhà phê
bình kiểm dịch rất hồ hởi, tự hào về công lao phát hiện luận điệu sai
trái, chỉ tên kẻ thù địch trong nội bộ để xử lí. Đặc biệt không mảy may
quan tâm số phận những người hữu quan. Hình như, đã là kẻ thù của
chế độ thì còn tiếc thương gì nữa?! Đối với họ văn học chỉ có một nghĩa
là nghĩa xấu, các nghĩa khác đều bị giản lược.
Nhưng nhìn lại sản phẩm phát hiện của các vụ kiểm dịch om sòm trên
văn đàn, ví như những bài báo của các tác giả thuộc nhóm Nhân Văn Giai
phẩm, hoặc các bài báo của Trương Tửu, hay tác phẩm Sương tan của nhà văn Hoàng Tiến, tôi cứ băn khoăn tự hỏi, không hiểu họ chống Đảng, đồi trụy ở chỗ nào?
Phê bình kiểm dịch là một tồn tại khách quan. Nó cũng là phê bình
chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ. Nhà nước rất hậu đãi loại phê bình
kiểm dịch này. Các nhà phê bình kiểm dịch đầu đàn thường được trao nhiều
giải thưởng cao quý. Nhưng rõ ràng, phê bình kiểm dịch không quan tâm
tới tính nghệ thuật của văn học. Cho nên, tôi rất hoài nghi giá trị và ý
nghĩa tồn tại của nó với tư cách là phê bình văn học đích thực.
Có thể nó cũng là một loại loại phê bình, nhưng không phải phê bình văn học.
17 – 7 – 2013
--------
(trích)
Nhưng rõ ràng, phê bình kiểm dịch không quan tâm
tới tính nghệ thuật của văn học. Cho nên, tôi rất hoài nghi giá trị và ý
nghĩa tồn tại của nó với tư cách là phê bình văn học đích thực.
Có thể nó cũng là một loại loại phê bình, nhưng không phải phê bình văn học.(Là phê bình văng mạng ? Dư luận viên ? Tuyên truyền viên ? Kiểm sát viên văng quá tư tưởng ? hê hê ... chả biết gọi tên gì cho đúng nhất ? :)
Trần Đình Sử - Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ?
Trả lờiXóa1.Một cách hành xử quá nóng vội
Cuộc phê phán luận văn thạc sĩ năm 2010 của giảng viên đại học Đỗ Thị Thoan hiện đang rầm rộ khắp cả nước, trên các báo lớn, báo nhỏ với đủ các từ quy kết nặng nề như “phản văn hóa”. “phản động,”, “mượn danh khoa học để làm chính trị”, “ngụy khoa học”, “sự lệch chuẩn”, “sự nổi dậy của rác thối”, tham vọng soán ngôi của thơ rác…Một đám cháy đang bùng lên dữ dội trên văn dàn. Mật độ cấp tập của sự phê phán không kém gì với các cuộc phê phán tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân năm xưa mà tôi đã nhắc đến với sự xử lí oan đối với cả cuộc đời nhà văn đại tá quân đội. Đồng thời với sự phê phán là các đề nghị cách chức, xử lí những người hữu quan, và thực tế đã không tiếp tục kí hợp đồng giảng dạy với cô giáo Nhã Thuyên một cách vội vàng, chưa đủ thủ tục pháp lí. Thông thường người ta chỉ xử lí sau khi đã nghị án rõ ràng, có người bào chữa, có ý kiến của đương sự. Đằng này tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu trong một xã hội được coi là đề cao dân chủ thì thật tiếc là thiếu sự đàng hoàng. Tại sao chúng ta không tổ chức đối thoại, nêu câu hỏi để yêu cầu nhà khoa học trẻ giải trình, mà chỉ cho phép phê phán, như là một tội lỗi đương nhiên không cần bàn cãi? Tại sao chúng ta lại hành xử một sự kiện văn hóa một cách thô bạo, y như hồi những năm 50, 60, khi chúng ta đang còn ít kinh nghiệm? Giả thử luận văn thạc sĩ Đỗ Thị Thoan có sai lầm nghiêm trọng chăng nữa thì cũng cho người ta cơ hội để nhận thức và sửa chữa, tương lai của cô còn rất dài, chọn được một người có trình độ học thức để làm giảng viên đại học đâu phải câu chuyện dễ? Chúng ta phải tin vào con người. Mọi sự đều sẽ thay đổi, không có gì là bất biến.
Thái độ ứng xử vơi Hội đồng chấm luận văn và người hướng dẫn cũng vậy. Họ là nhứng người làm việc hợp pháp theo quy chế của ngành, thống nhất trong toàn quốc, lẽ ra phải được quy chế bảo vệ. Nay có một ý kiến hô lên có vấn đề, thế là lập túc đòi xử lí họ, vô hiệu hóa họ. Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm sẽ phá hoại bản thân nền đào tạo trên đại học của nước nhà. Nay mai, sẽ có người khác hô lên, luận án này có vấn đề, luận án kia có vấn đề, thế là lại xử lí, mà ý kiến bất đồng trong khoa học xã hội và nhân văn bao giờ cũng có, nhất là trong thời buổi nhạy cảm như hôm nay. Sự đánh giá của các hội đồng và các cá nhân thông thường không khớp nhau. Người ngoài hội đồng cũng thường có ý kiến khác. Theo tôi, làm to chuyện một vấn đề không lớn không phải là giải pháp hay.
2. Sự xung đột về thế hệ
Trả lờiXóaNhã Thuyên thuộc thế hệ trí thức học tiếng Anh đầu tiên, một chủ trương sáng suốt của ngành giáo dục, học sinh phải học tiếng Anh từ tiểu học, các luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đề phải có trích dẫn tài liệu tiếng Anh. Mà đã học tiếng Anh thì đương nhiên tiếp thu văn hóa của thế giới tiếng Anh, trong đó ý thức về đa nguyên văn hóa là điều trở thành niềm tin tự nhiên của nền văn hóa ấy. Mà nếu ngày nay có lưu học ở Trung Quốc hay lưu học ở Nga, Ucraina, thì ở các nước đó văn hóa đa nguyên cũng đã là niềm tin tự nhiên rồi. Thế hệ trẻ tương lai của đất nước ta là một thế hệ như thế, không có thế hệ khác. Tôi không nói đa nguyên chính trị ở đây, chỉ riêng đa nguyên văn hóa ở Việt Nam cũng đang là một thực tế mà ta không thể phủ nhận. Các loại triết thuyết, các loại tôn giáo, tín ngưỡng đều có, tất nhiên sắp xếp theo một trật tự của ý thức hệ thống trị. Luận văn được viết ra trên một thực tế là văn hóa, văn học chúng ta là một thực thể đa nguyên, trong đó có trung tâm và bên lề luôn luôn xung đột. Trung tâm dĩ nhiên là đối tượng chủ yếu của nghiên cứu rồi, mà các hiện tượng bên lề cũng là đối tượng đáng được nghiên cứu. Đối với các nhà phê bình văn học thế hệ trước, trong đó có tôi, chúng ta tin văn hóa, văn học chỉ có trung tâm, ngoài ra là thù địch, không có ngoại biên, bên lề, không có cái khác, do đó khi tiếp cận luận văn này rất lấy làm bức xúc. Qủa thật, điểm danh các tác giả tham gia phê phán luận văn thạc sĩ này như Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, Phong Lê, Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Thiện, Văn Chinh…đều thuộc thế hệ trước. Sự khác biệt thế hệ khó hiểu nhau, thế hệ mới nói những điều mà thể hệ trước khó hoặc không thể hiểu được, thế là xảy ra xung đột đã làm tóe lửa, tạo thành đám cháy lớn trên văn đàn và thiệt hại cho các cá nhân hữu quan. Nếu không suy nghĩ đến vấn đề này thì sẽ còn xảy ra xô xát nhiều nữa, mà thiệt hại trực tiếp sẽ là sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà, mặc dù mọi nghị quyết của Đảng đều thiết tha mong mỏi để cho nền khoa học nước nhà tiến kịp trình độ các nước trong khu vực và các nước tiến tiến trên thế giới. Nếu xử lí không thỏa đáng sẽ làm e sợ, giảm sút nhu cầu tiến bộ của cả một thể hệ mới.
3. Sự xung đột về khung tri thức khoa học hay là hệ hình khoa học
Trả lờiXóaTrung tâm và ngoại biên là một cặp khái niệm để mô tả cấu trúc của các nền văn hóa và văn học. Có trung tâm thì có ngoại biên. Nếu chủ đề yêu nước, chủ nghĩa xã hội là chủ đề trung tâm của văn học thì các chủ đề như nữ quyền, hậu thực dân, tân lịch sử, giới tính…là các chủ đề ngoại biên. Nếu lí luận mác xít đối với nước ta là trung tâm, thì các lí thuyết khác như phân tâm học, cấu trúc luận, kí hiệu học, tự sự học… là ngoại biên. Nếu văn học dân tộc Kinh là trung tâm, thì văn học các dân tộc ít người là ngoại biên. Nếu văn học cách mạng là trung tâm thì các biểu hiện lệch lạc trước đây là văn học ngoại biên. Trong thơ Tố Hữu, các bài thơ tình của ông là ngoại biên. Trong sáng tac của Nguyễn Đình Thi, Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan là ngoại biên. Trong Kháng chiến chống Pháp, trong sổ tay thơ của các chiến sĩ, ngoài các bài thơ cách mạng của Tố Hữu, Chính Hữu, thế nào cũng có đôi bài thơ mới của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… như là một thứ ngoại biên, phải giấu kĩ, nếu bị phát hiện thì không phải đùa. Trong xuất bản hôm nay, các thứ thơ như Bóng chữ, thơ Trần Dần thực ra vốn là thơ ngoại biên, bên lề. Nói gọn lại, toàn bộ các tác phẩm bị cấm đoán, bị phê phán trong giai đoạn trước đều là thứ văn học ngoại biên. Các tác phẩm, tác giả văn học đô thị miền Nam được xuất bản hôm nay đều bị coi là ngoại biên. Trong báo chí hôm nay, các bài viết theo kiểu “chuyện hôm nay mới kể” là các đề tài ngoại biên, bởi thời trước không thể kể ra được. Văn học dân gian hiện đại rất sống động và phát triển, nhưng ngoài truyện vui Ba Phi, thơ Bút tre ra đều là ngoại biên hết. Văn hóa dân gian quá khức, như ca dao, tục ngữ có phân thanh và phần tục, như các bộ “Kho tàng” thì chỉ ghi phần thanh, loại bỏ phần tục vì coi chúng là “không có tính giáo dục”. Đó là cách tự làm nghèo vốn dân gian của ta. Cấu trúc văn học không đối xứng, trật tự thường là không bình đẳng. Đó là sự thật lịch sử mà ai cũng biết.
Trong công cuộc đổi mới văn học của chúng ta hôm nay vấn đề đổi mới thơ, đổi mới văn học đã trở thành một vấn đề của trung tâm, được trung tâm quan tâm. Trong các thời trước, đổi mới, làm thơ không vần như Nguyễn Đình Thi là bị cấm, coi là bất hợp pháp. Đổi mới thơ như Hoàng Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng cũng từng bị phê phán. Nhưng trong đổi mới thơ cũng có trung tâm và ngoại biên. Đổi mới kiểu Nguyễn Quang Thiều hôm nay được coi là trung tâm, nhưng khi mới xuất hiện, đối với một số người là ngoại biên, là thơ tây dịch sang thơ ta. Thơ của nhóm “Mở miệng” cũng là một thứ ngoại biên. Chúng ta có thể không thích nó, thậm chí ghét bỏ nó, nhưng nó vẫn là một phần, dù là rất bé nhỏ, rất phụ, đã lui vào quá khứ của quá trình văn học. Hiểu như thế mọi hiện tượng văn học ngoại biên đều đáng được xem xét, đều có ý nghĩa để soi sáng lịch sử văn học từ chỗ này hay chỗ khác. Vì vậy tạo ra vùng cấm trong nghiên cứu văn học là không nên. Điều này đúng như nhà lí luận văn học Lã Nguyên trong bài tham luận tại Hội nghị lí luận phê bình văn học Tam Đảo, đã được tạp chí của Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương đăng tải, muốn đổi mới phê bình văn học của chúng ta nhất thiết phải đổi mới khung tri thức lí thuyết, nếu không các sự cố do không hiểu nhau, hiểu nhầm, hiểu chệch sẽ xảy ra nhiều hơn, gây xáo trộn nhiều hơn trong đời sống bình thường.
4. Đối với trường Đại học sư phạm Hà Nội
Trả lờiXóaĐại học sư phạm Hà Nội là một trường lớn của Quốc gia, để xảy ra một việc như trên là đáng tiếc. Tôi mong Khoa Ngữ văn, Ban Giám hiệu, các tổ Bộ môn cần có sự rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt công tác đào tạo của mình.
Trong bài này chúng tôi chưa muốn nêu ý kiến về luận văn của Đỗ Thị Thoan, mà chỉ mới nêu vấn đề về cung cách xử lí vấn đề, sự xung đột thế hệ và xung đột về hệ hình nghiên cứu. Vấn đề là có đáng huy động lực lượng để làm một chiến dịch to lớn quy mô toàn quốc như thế không? Tôi mong sao những người có trách nhiệm đã sáng suốt đứng ra xử lí rất tốt sự cố Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư năm nào, thì nay sẽ lại góp phần làm giảm bớt tính nghiêm trọng đối với một luận văn cao học.
26 – 7 – 2013